Ngày 5/12/2023, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE), Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo hoàn thiện khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam nhằm góp phần tăng cường hiệu quả quản lý các khu DTSQ thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và Đề xuất khung hướng dẫn quản lý khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận tại Việt  Nam do Bộ Khoa học & Công nghệ triển khai. 

Sau 3 năm thực hiện Đề tài nghiên cứu, với nhiều chuyến khảo sát thực tế giúp Đề tài thu được nhiều bằng chứng, số liệu giá trị, làm cơ sở khoa học tiếp tục hoàn thiện quá trình nghiên cứu. Hội thảo được tổ chức với mục đích công bố một số kết quả nghiên cứu chính của đề tài cập nhật năm 2023; Tạo cơ hội cho các đối tượng quan tâm thảo luận về xây dựng Khung mô hình quản lý khu DTSQ tại Việt Nam; Lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ đại diện các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam. 

W-1-quan-ly-khu-du-tru-sinh-quyen-1.jpg
GS.TSKH Trương Quang Học – Chủ nhiệm đề tài chia sẻ một số kết quả chính của đề tài nghiên cứu.

Tại Hội thảo, GS.TSKH Trương Quang Học – Chủ nhiệm đề tài đã chia sẻ một số kết quả chính của đề tài nghiên cứu cập nhật đến 2023 và các hoạt động trong thời gian tới. Theo GS.TSKH Trương Quang Học, đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và Đề xuất khung hướng dẫn quản lý khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận tại Việt  Nam có mục tiêu góp phần xây dựng khung hướng dẫn quản lý, kế hoạch và mô hình phát triển xanh cho các khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam theo yêu cầu và hướng dẫn của UNESCO và phù hợp với điều kiện Việt  Nam. Mục tiêu cụ thể của đề tài là xây dựng được cơ sở lý luận, thực tiễn về quản lý khu DTSQ Việt Nam; Đề xuất được khung hướng dẫn quản lý các khu DTSQ Việt Nam; Đề xuất được mô hình quản lý cụ thể cho một số khu DTSQ đại diện của Việt Nam. 

GS.TSKH. Trương  Quang Học cũng cho biết, đề tài sẽ nghiên cứu cơ sở lý luận quốc tế và bài học thực tiễn ở Việt Nam về quản lý khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận; Nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí và nguyên tắc quản lý khu DTSQ Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất Khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu DTSQ Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất khung, mô hình quản lý cho 02 khu DTSQ (Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm) và 01 mô hình sản xuất bền vững của khu DTSQ miền tây Nghệ An; Nghiên cứu, xây dựng tài liệu tập huấn, đào tạo, hướng dẫn quản lý cho các khu DTSQ tại Việt Nam. 

Cơ sở thực tiễn được xây dựng dựa chủ yếu trên các điều kiện thực tế của Việt Nam nói chung và các bài học thực tế về quản lý các khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam trong thời gian qua. Từ đó phân  tích để thấy được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong phát triển các khu DTSQ trong tương lai. 

Những kết quả nghiên cứu của đề tài có thể hướng dẫn để nhân rộng cho hệ thống các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam thông qua các tài liệu hướng dẫn được biên soạn và các khóa tập huấn được tổ chức cho các đối tượng khác nhau của các khu DTSQ. Mục tiêu cuối cùng là đề xuất chính sách cho công tác quản lý các khu DTSQ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận: Giới thiệu về các văn  bản pháp luật quản lý Khu dự trữ sinh quyển và đề xuất Khung quản lý Khu Dự trữ sinh quyển; Xây dựng Khung kế hoạch quản lý cho Khu DTSQ Cù Lao Chàm và Tây Nghệ An của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học. Tham luận chia sẻ kinh nghiệm  trong quản lý Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An của Trung tâm Phát triển  Cộng đồng Sinh thái…

Huệ Anh

Thiều Quang và nhóm PV, BTV