Truyền thông tốt giúp người dân thoát nghèo

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tích cực truyền thông giảm nghèo. Cụ thể, huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các cuộc đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo với hơn 400 người tham dự. Từ đây, chính quyền địa phương kịp thời tuyên truyền để các hộ dân hiểu rõ các chính sách, quyền lợi được thụ hưởng từ các dự án thuộc Chương trình.

Nhờ các buổi đối thoại cùng hộ nghèo, thị trấn Bảy Ngàn đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, là cơ sở để lên kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề miễn phí và triển khai rộng rãi đến người dân có nhu cầu.

W-giam-ngheo  Nguyễn Huế 23.jpg
Đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần làm người nghèo thay đổi nhận thức, từ đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh minh họa: Huế EX

Gia đình chị Nguyễn Thị Chinh, ở ấp 3A thuộc diện cận nghèo, một mình nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Nhờ được chính quyền địa phương đến nhà phổ biến rộng rãi về các lớp dạy nghề miễn phí cho các hộ gặp khó khăn, chị mới biết để đăng ký. Chị Chinh chia sẻ, khi học thành thạo nghề làm tóc sẽ mở một tiệm nhỏ để cải thiện cuộc sống gia đình.

Thông qua các hình thức tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng của việc thoát nghèo, tham gia vào các dự án, tiểu dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng mới, vật nuôi, tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền thông tin về giảm nghèo

Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính quyền huyện Châu Thành A nhận thấy, tình trạng nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. Để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, các ban ngành đoàn thể của huyện đã cùng phối hợp với địa phương triển khai các dự án, tiểu dự án đưa thông tin đến người dân.

Cụ thể, xã Nhơn Nghĩa A có 9 cụm loa truyền thanh, bao phủ 9/9 ấp. Hàng ngày, đều tiếp sóng trực tiếp để tuyên truyền chính sách, quy định giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gương thoát nghèo tiêu biểu, các phong trào của huyện, địa phương…

Được giao nhiệm vụ vận hành hệ thống loa truyền thanh của thị trấn Bảy Ngàn, ông Lâm Thể Nguyên, cán bộ quản lý Trung tâm Văn hóa, Thể thao chia sẻ, luôn đảm bảo vận hành đúng thời gian phát các bản tin mỗi ngày 2 lần sáng và chiều. Qua đó, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, kịp thời, nhất là các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo.

Đồng thời, để thực hiện Chương trình, huyện Châu Thành A còn lắp đặt 2 pano trực quan trên các tuyến trục lộ chính và tại nơi đông người. Ngoài ra, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể huyện tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên hơn 20 cuộc, có hơn 500 lượt hội viên tham dự. Bên cạnh đó, huyện cũng tuyên truyền trên hệ thống phát thanh được 7 buổi với thời lượng 14 phút, ước tính gần 900.000 lượt người nghe. Bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện còn phối hợp cùng các đơn vị tổ chức 3 lớp tập huấn có hơn 500 cán bộ cấp huyện, xã, thị trấn tham dự. Nội dung về tập huấn, bồi dưỡng, kỹ năng truyền thông; triển khai hướng dẫn hợp tác xã, hộ gia đình, người dân cách thức đăng bán hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử,…

Nhờ cung cấp thông tin kịp thời, người dân hiểu rõ các chính sách cũng như nắm bắt được kỹ thuật, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Việc tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần làm người nghèo thay đổi nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo; từ đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.