Huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), nơi những bản làng của đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú... nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đang từng ngày "thay da đổi thịt". Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nơi đây còn có những nỗ lực phi thường trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Và trong hành trình ấy, việc phát triển các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương, kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động đang đóng vai trò then chốt, góp phần "gieo mầm" cho những ước mơ thoát nghèo trên miền sơn cước.
Tuyên truyền nhiều mô hình giảm nghèo
Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, Quế Phong có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của chính quyền địa phương đã tuyên truyền nhiều nhiều mô hình giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Điển hình như mô hình nuôi gà thịt của anh Lô Xuân Thủy ở bản Khoẳng Đỗ, xã Châu Kim. Là hộ cận nghèo, gia đình anh Thủy có 5 nhân khẩu, cuộc sống quanh năm phụ thuộc vào 1ha đất trồng xoan và thu nhập ít ỏi từ việc đi làm thuê, hái măng. Tháng 9/2024, gia đình anh là một trong số các hộ được Nhà nước hỗ trợ 150 con gà giống. Nhận được sự hỗ trợ quý báu này, các thành viên trong gia đình anh Thủy đều chung tay làm chuồng trại, rào chắn cẩn thận và tiêm phòng vaccine đầy đủ cho đàn gà.
Anh Thủy phấn khởi chia sẻ, dự kiến dịp Tết này sẽ thu về được hơn 40 triệu đồng từ nuôi gà. Về lâu dài, gia đình sẽ phát triển thành đàn lớn, đây là cơ hội để thoát khỏi hộ nghèo.
Không chỉ với gia đình anh Thủy, mô hình nuôi gà thịt đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nhiều hộ dân ở Quế Phong.
Đại diện UBND xã Châu Phong cho biết, xã đã được tuyên truyền về tính hiệu quả của mô hình nuôi vịt bầu bản địa. Các hộ gia đình ở bản Mới, bản Khe Chan… đã duy trì, bảo tồn và phát triển nguồn giống vịt địa phương, giúp các hộ thoát nghèo, nhân ra diện rộng và chuyển giao phương thức chăn nuôi mới cho các hộ nghèo khác, tạo thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống gia đình.
Trước đó, năm 2023, xã Châu Kim cũng đã được huyện cấp 93 con lợn đen địa phương cho 31 hộ nghèo, cận nghèo nuôi, mỗi hộ được cấp 3 con và một lượng cám nhất định. Sau gần 1 năm chăn nuôi, đa phần các hộ đều có trách nhiệm cao trong chăm sóc, tận dụng nguồn rau sẵn có tại địa phương để làm thức ăn cho lợn. Mô hình này đã góp phần cải thiện thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo.
Đưa chính sách đến với người dân
Bên cạnh việc phát triển các mô hình giảm nghèo phù hợp, huyện Quế Phong còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các chương trình, dự án giảm nghèo. Thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt cộng đồng, lớp tập huấn, người dân được cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được hướng dẫn cách thức tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, kỹ thuật sản xuất...
Tại các buổi họp dân, sinh hoạt cộng đồng, lớp tập huấn tại các thôn, bản, người dân được cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề...
Bên cạnh đó, huyện còn phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo chí... để tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo tiêu biểu.
Đại diện UBND xã Châu Kim cho biết: "Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các chương trình, dự án giảm nghèo. Chúng tôi cũng đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân hỗ trợ nguồn lực cho xã".
Với những nỗ lực của chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, tin tưởng rằng, huyện Quế Phong sẽ gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào DTTS.