Không để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bỏ qua người nghèo, Chương trình Đổi mới, Thực hiện và Tác động kỳ vọng nâng cao kiến thức tài chính kỹ thuật số cho người nghèo, hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Chương trình Đổi mới, Thực hiện và Tác động (Chương trình i3) được phát động tại Việt Nam ngày 14/11/2018 tại Hà Nội, nhằm hỗ trợ các tổ chức dịch vụ tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình trên toàn quốc.

Chương trình i3 được thực hiện trong 3 năm tại 4 quốc gia châu Á bao gồm: Bangladesh, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. Hoạt động chính của chương trình là hỗ trợ, hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại nước sở tại (gồm ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động, tổ chức tài chính vi mô, các công ty fintech), nhằm cung cấp các sản phẩm tài chính phù hợp với giá cả phải chăng và an toàn cho người dùng có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.

{keywords}
Ảnh minh họa

Với mục tiêu xây dựng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường đại chúng bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số với những hiểu biết chuyên sâu về nhu cầu, nguyện vọng và hành vi của người có thu nhập thấp và trung bình, chương trình hy vọng sẽ tạo ra sự tác động trực tiếp cho ít nhất 400.000 khách hàng có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, nhiều người sẽ thu được lợi ích gián tiếp, dựa trên hiệu ứng lan tỏa của chương trình.

Trong khuôn khổ Chương trình i3, nhằm tiếp tục phát triển tài chính toàn diện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và công ty MicroSave đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về mặt kỹ thuật dựa trên sự thống nhất về các nội dung công việc sẽ thực hiện dự án Mobile Banking giai đoạn 2 mà NHCSXH đang triển khai cùng với Quỹ Châu Á và MasterCard. Tổng chi phí công ty MicroSave hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn dự kiến là 500.000 USD.

Trước đó, NHCSXH triển khai thành công Dự án Mobile Banking giai đoạn I với dịch vụ gửi tin nhắn thông báo qua điện thoại di động khách hàng thông tin về thay đổi số dư tài khoản, đối chiếu dư nợ khoản vay và số dư tiền gửi, nhận được báo nhắc nợ đến hạn...  Khách hàng không phải đến chi nhánh ngân hàng và không phải mất phí. Điều này giúp khách hàng có thể chủ động quản lý, kiểm soát dòng tiền và chủ động lên kế hoạch trả nợ. Đồng thời giúp cung cấp thông tin kịp thời đến khách hàng, tăng cường tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, cũng như bước đầu giúp khách hàng tại nông thôn làm quen với công nghệ số, tạo nền tảng quan trọng để NHCSXH tiếp tục mở rộng phạm vi dịch vụ, qua đó cho phép khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền, thanh toán qua dịch vụ ngân hàng di động.

Tại Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt đang chiếm ưu thế ở hơn 90% tất cả các giao dịch. Đặc biệt, các nhóm đối tượng có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cơ bản các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Chương trình i3 kỳ vọng nâng cao kiến thức tài kỹ thuật số cho người nghèo, giúp gia tăng và tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đến với những người khó tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Từ đó, thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ lãnh đạo.

M.M - Thùy Vân