Sau khi NSND Hoàng Dũng qua đời lúc 14h15 tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, gia đình và một số đồng nghiệp đưa di hài của ông về Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.
Thông tin mới VietNamNet nhận được là tang lễ của NSND Hoàng Dũng sẽ được tổ chức từ 7h30- 9h sáng 20/2 (tức mồng 9 Tết) tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
NSND Công Lý - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, di nguyện cuối cùng của NSND Hoàng Dũng chính là lễ tang của ông được tổ chức một cách ấm cúng, giản dị không ồn ào, không bi lụy. Điều này cũng phù hợp với tính cách của NSND Hoàng Dũng - không thích phô trương.
Trưởng ban tổ chức tang lễ sẽ là NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. NSND Trung Hiếu và NSND Công Lý đã trao đổi với nhau về ý tưởng biến nhà tang lễ thành không gian trong vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo để tiễn đưa NSND Hoàng Dũng. Vai Bá Nhỡ trong vở kịch này là một trong những vai diễn để đời của NSND Hoàng Dũng, nhân vật ấy cũng qua đời ở cuối vở diễn. Đêm diễn chia tay NSND Hoàng Dũng lúc nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Hà Nội, ông cũng vào vai này.
Không chỉ là một nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng còn được khán giả hâm mộ ở nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình. Nổi bật nhất phải kể tới Người phán xử - đây cũng là phim truyền hình thực hiện khi ông nghỉ hưu, đưa tên tuổi NSND Hoàng Dũng gắn với vai ông trùm Phan Quân.
Ngoài ra, NSND Hoàng Dũng còn là Uỷ viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng nghệ thuật của TP.Hà Nội. Ông cũng là người thầy của nhiều tên tuổi diễn viên sân khấu và truyền hình nổi tiếng ở nhiều nhà hát, đơn vi nghệ thuật sân khấu và truyền hình cả nước.
Không chỉ là một nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng còn được khán giả hâm mộ ở nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình. |
Sự ra đi của NSND Hoàng Dũng để lại tiếc thương cho đồng nghiệp vì sinh thời, ông đã cống hiến trọn đam mê cho nghệ thuật. Trong mắt NSƯT Xuân Bắc, NSND Hoàng Dũng là người giỏi nghề nhưng không kiêu ngạo, có nhân cách nghệ sĩ và "đàng hoàng với chính cuộc sống của mình".
NSND Lê Tiến Thọ là đàn anh của NSND Hoàng Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hai khóa 7, 8 (thời gian này NSND Hoàng Dũng cũng có mặt trong Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) đánh giá: "NSND Hoàng Dũng là một tài năng của giới sân khấu, không chỉ ở sân khấu mà ở điện ảnh, truyền hình Hoàng Dũng gây ấn tượng sâu đậm, nhất là trong nhiều bộ phim dài tập".
NSND Hoàng Dũng vai Bá Nhỡ trong vở Tiếng đàng vùng Mê Thảo - là vở diễn chia tay ông khi nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Hà Nội. |
"Bên cạnh quá trình được nuôi dưỡng trong môi trường có bề dày nghệ thuật, bản thân Hoàng Dũng không tự bằng lòng với mình mà luôn tự tìm tòi khẳng định mình qua từng vai diễn. Có thể nói, trong khoảng từ 55-60 tuổi, chặng 60-65 tuổi, anh ấy rất nổi như ngôi sao của sân khấu", NSND Lê Tiến Thọ nhận xét.
"Nếu có bày tỏ một lời cám ơn với Dũng ở lúc này thì cũng không muộn. Cho tôi cám ơn trước linh hồn của Hoàng Dũng ở chỗ, anh ấy không "bao biện", không ôm đồm công việc, anh ấy biết chia sẻ cho những người cộng sự hoặc học trò của những người bạn mình.
Có những vở diễn của Dũng ở phần đạo diễn làm chúng tôi sửng sốt. Hay có những vai diễn của Dũng làm chúng tôi ngỡ ngàng. Ví dụ, Dũng đã cùng diễn với Nguyễn Trung Hiếu ở vở "Cát bụi". Sự tung hứng giữa Dũng và Hiếu, hay với Phùng Tiến Minh, Thu Hà tạo cho người xem chúng tôi sự thuyết phục gần như tuyệt đối.
Trong nghề này, để thuyết phục được đồng nghiệp khó lắm, bởi chúng tôi đều có một ngôn ngữ chung. Người Pháp có câu "đố kỵ như nghệ sĩ", nghĩa là khi không thể đố kỵ được nữa thì là tâm phục khẩu phục. Trong trường hợp Hoàng Dũng, với tôi có thể đã có được biểu cảm của sự tâm phục khẩu phục đó", NSƯT Lê Chức chia sẻ.
Tình Lê
Tâm sự xúc động NSND Minh Hoà gửi NSND Hoàng Dũng
NSND Minh Hoà chia sẻ vở kịch đầu tiên chị đóng cùng đàn anh là năm 1986. Nói như NSND Hoàng Dũng thì: "Ở Nhà hát này, người anh đóng cùng nhiều nhất là cô".