Tuy nhiên, khi điều lo ngại này còn xa thì 1 nguy cơ khác đang gây áp lực lên sản xuất trong nước.

Tác động không thể xem nhẹ

Hiện, dự thảo về việc áp mới mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% đối với nước ngọt có đường là nỗi lo lắng của hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh sản phẩm và hàng trăm nghìn hộ gia đình trồng mía trong chuỗi cung ứng.

Nỗi lo này càng lớn với người nông dân tại các vùng trồng nguyên liệu như mía đường, khi tình hình thu hoạch mía không hề được lạc quan. Đơn cử, tại vùng nguyên liệu mía hơn 1.000ha ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), người nông dân trồng mía bán được một tấn mía thì một nửa phải trả cho tiền công thu hoạch, chưa kể đến chi phí chăm bón, thu mua. Giá thu mua mía trên thị trường vẫn tiếp tục lao dốc, cách thức thu mua mía khắc nghiệt hơn.

Ngoài ra, công nghệ chế biến còn lạc hậu, 300.000ha mía trên cả nước đa phần năng suất chỉ từ 50 - 70 tấn, mía thường nằm dưới 10 chữ đường, thua xa với sản xuất mía đường của các nước trong khu vực. Vì vậy, nếu giá thu mua mía thấp hơn, nông dân sẽ không có lãi. Còn nếu giá thu mua cao hơn, các nhà máy đường càng khó cạnh tranh với sản phẩm đường của những nước khác trong khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh các sản phẩm sử dụng nguyên liệu đường như nước ngọt có thể bị áp thêm các mức thuế suất mới, ngành sản xuất chế biến mía đường và nông dân trồng mía sẽ càng đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Gần đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc áp thuế mới. Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, nếu áp dụng thuế TTĐB 10% đối với nước ngọt và giữ nguyên mức thuế VAT, GDP sẽ giảm khoảng 0,115%, thu nhập từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,14%, thặng dư sản xuất giảm 0,077% và lao động giảm 0,06-0.08%. Dự luật thuế có thể gây tác động tiêu cực đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và khiến 337.000 hộ gia đình trồng mía phải lo lắng về sinh kế của cả gia đình.

{keywords}
Dự thảo bổ sung thu thuế TTĐB năm 2017 đối với mặt hàng nước ngọt có đường không nhận được sự đồng tình của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nước giải khát. Ảnh: Tuổi Trẻ.

TS. Lưu Minh Đức, Đại diện nhóm nghiên cứu tại CIEM cho biết, mức tăng thu thuế gián thu tăng thêm cho ngân sách có thể chỉ đạt 1.975 tỷ đồng thay vì 4.550 tỷ đồng như ước tính của cơ quan soạn thảo. Đó là chưa kể hàng loạt tác động lan toả đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc với các ngành liên quan, như: nguyên liệu, bao bì, vận tải, bán lẻ…

Việc áp thuế mới với nước giải khát có đường sẽ đưa đến nhu cầu sản phẩm thay thế (sữa, kem, nước trái cây, đồ uống đường phố)… - những sản phẩm cũng chứa lượng đường khá cao. Từ đó, Dự luật thuế TTĐB khó đạt được mục tiêu “chống béo phì” như ban đầu.

Ở góc độ vĩ mô hơn, mặc dù Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều dè dặt về tính ổn định, bền vững của môi trường đầu tư khi những chính sách pháp luật, đặc biệt là những chính sách về thuế có nhiều thay đổi. Việc áp thuế suất mới/tăng thuế không những có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến các yếu tố phát triển xã hội khác như việc làm. Những tác động tiêu cực này có thể khiến gia tăng khoảng cách về phát triển kinh tế của Việt Nam với các nước khác trong khu vực.

Gần đây, Trung Quốc cũng đang tính đến phương án sẽ giảm thuế, tăng cho vay để yểm trợ nền kinh tế tăng trưởng chậm.

Nhiều nước “áp” rồi “bỏ”

Tại Việt Nam, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã dẫn chứng số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia áp dụng thuế TTĐB nhưng vẫn có tỷ lệ béo phì tăng liên tục trong những năm qua - để thấy lý do “chống béo phì” là thiếu cơ sở. Trên thế giới, có không ít các quốc gia phát triển đã “chứng kiến” việc áp thuế đối với nước ngọt không phải là giải pháp để giảm/ ngăn chặn các căn bệnh béo phì & tiểu đường; trong khi có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có đối với ngành công nghiệp nước giải khát và kinh tế địa phương.

Thất bại của chính sách thuế TTĐB đối với nước ngọt có thể thấy dễ nhất ở các quốc gia phát triển như Đan Mạch và một số nước thuộc Liên minh Châu Âu.

Tại Đan Mạch, quốc gia này đã bãi bỏ TTĐB với nước ngọt vào năm 2012 vì chính sách này gây ra tình trạng thất nghiệp, tăng lạm phát, tăng chi phí hành chính cho doanh nghiệp; đặc biệt có tác động không đáng kể đối với việc tiêu dùng thực phẩm và đồ uống.

Với các nước thuộc Liên minh Châu Âu áp TTĐB cho nước ngọt như Pháp, Phần Lan, Hungary và Hà Lan, thì một nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra chính sách thuế TTĐB là thủ phạm làm tăng chi phí hành chính, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, tăng giá thực phẩm, và kết quả hoàn toàn không cải thiện rõ rệt tình hình sức khoẻ cộng đồng.

Thuế TTĐB đối với nước ngọt là một chính sách thuế gián thu và có ảnh hưởng trực tiếp đối với người có thu nhập thấp, người nghèo. Như vậy, khi Chính phủ gần đây liên tiếp ban hành các nghị quyết, nghị định yêu cầu triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì việc có áp dụng thuế TTĐB lên nước ngọt, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, cần được xem xét thấu đáo, khách quan.

Có như vậy thì việc áp mới thuế TTĐB mới có thể mở những nút thắt đang là nỗi lo lớn doanh nghiệp và đặc biệt là những đối tượng quan trọng trong chuỗi giá trị như nông dân vùng trồng nông sản nguyên liệu.

 Mai Anh