Ngang nhiên sai phạm

Tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết, ông Lê Thanh Thản (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) bị khởi tố về tội “Lừa dối khách hàng”, quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ông Thản bị cáo buộc liên quan vi phạm pháp luật tại dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Dự án có quy hoạch thiết kế được duyệt là 2 tòa, gồm CT6A và CT6B, song chủ đầu tư là Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes tự ý xây thêm toà CT6C, sai so với quy hoạch được duyệt.

Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) được nhắc tới như một điển hình của sai phạm trong xây dựng, khi chủ đầu tư không làm theo giấy phép xây dựng, không giật cấp ở một số tầng, mà tự ý tăng chiều cao các tầng.

{keywords}
Nhiều công trình sai phạm

Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế, chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.

Không chỉ có 8B Lê Trực, mà rất nhiều dự án cao ốc khác cũng tự ý nâng số tầng, hoặc chuyển đổi công năng tầng kỹ thuật thành căn hộ để bán, thậm chí làm thủ tục xin tăng thêm số tầng.

Dự án Tân Bình Apartment do Công ty Tân Bình làm chủ đầu tư có quy mô 4.400 m2, gồm 2 block cao 14 tầng, với tổng số 168 căn hộ. Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư dự án này xây tăng diện tích sàn hơn 2.000 m2, xây thêm hai tầng làm tăng 28 căn hộ theo thiết kế phê chuẩn (từ 168 căn lên 196 căn). UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt 19 lỗi vi phạm hành chính, với tổng số tiền lên đến 1,64 tỷ đồng.

Tòa nhà Sakura Tower (số 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) do Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư, có 239 căn hộ để bán. Trong đó, 161 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Trong khi đó, 78 căn hộ sai phép đã bán cho các hộ dân (tầng 12 có 14 căn; tầng kỹ thuật trên tầng 11 (12B) là 14 căn; tầng 21 là 11 căn; tầng 22 là 13 căn; 2 tầng căn hộ xây vượt là tầng 24B có 13 căn, tầng 24C có 13 căn). Số căn hộ xây dựng sai phép nói trên, chủ đầu tư chưa làm việc với cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc cho các hộ dân.

Dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân), do Tổng công ty Tài nguyên - Môi trường Việt Nam và Công ty CP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư, đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Tháng 5/2017, dư luận Đà Nẵng lại một phen xôn xao khi báo chí thông tin Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư thi công xây dựng sai phép khi chủ đầu tư tự ý biến toàn bộ khu nhà giữ xe, nhà trẻ,... thành 104 căn hộ để bán, tự ý thực hiện giao dịch bất động sản khi chưa đảm bảo quy định.

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, công trình trên được Sở Xây dựng cấp phép số 235/GP-SXD ngày 17/2/2016 với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư xây dựng sai nội dung được cấp.

Chế tài chưa đủ mạnh

Tình trạng chủ đầu tư xây dựng chung cư trái phép, tự ý xây thêm nhiều căn hộ, hạng mục khác nhằm trục lợi khiến không ít người dân "ngậm đắng". Trong khi chính quyền thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý xây dựng theo quy hoạch thì doanh nghiệp lại đua nhau chạy theo lợi nhuận mà không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

{keywords}
Quy hoạch bị phá vỡ bởi sai phạm của nhiều chủ đầu tư

Giải thích về nguyên nhân các dự án vi phạm tràn lan, UBND TP. Hà Nội chỉ ra là do có nơi, có chỗ cán bộ công chức còn hạn chế về trình độ chuyên môn nên ngại kiểm tra, hoặc kiểm tra nhưng không phát hiện kịp thời dẫn đến khi thiết lập hồ sơ xử lý thì vi phạm đã lan rộng, khó xử lý.

Một nguyên nhân khác là các cấp xã, phường vẫn chưa áp dụng hiệu quả các biện pháp ngăn chặn để dừng thi công đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong khi đó, nhiều nơi còn quản lý lỏng nẻo, không kiểm soát hoạt động xây dựng ngay khi mới phát sinh, khiến việc xử lý vi phạm của các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Về giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng của chủ đầu tư bất động sản, UBND TP. Hà Nội cho biết thời gian tới không chỉ xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục vi phạm mà sẽ áp dụng bổ sung thêm các hình phạt công khai thông tin về chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm.

Theo đó, các công trình xây dựng sai phạm không chỉ bị thu hồi giấy phép xây dựng mà chủ đầu tư vi phạm sẽ không được giao dự án mới, tước chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và không được phép tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Luật sư Trần Vi Thoại, giám đốc công ty luật IB Legal Vietnam, cho rằng, thực tế việc quảng cáo bán nhà sai sự thật có quy định xử phạt. Ai làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm, từ cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị phân phối hay nhân viên môi giới. Tuy nhiên, hiện tại việc xử lý vi phạm vẫn chưa được áp dụng nghiêm khắc và triệt để.

Ông Thoại kiến nghị, cơ quan chức năng và đơn vị thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Duy Anh