Còn nhiều lĩnh vực tiềm năng cho khởi nghiệp ĐBSCL
Sáng 16/11, tại phiên toàn thể “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” của Diễn đàn Mekong Startup II, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Điều này đã làm thay đổi xu thế tiêu dùng lẫn tiêu chuẩn chất lượng nông sản.
Để phát triển nhanh, bền vững và phù hợp với xu thế phát triển chung, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và là chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Những xu hướng mới về kinh tế xanh, giảm phát thải cộng với khả năng mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ, những ưu tiên đầu tư mới về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, chương trình mới trong nông nghiệp ở ĐBSCL… là cơ hội rất lớn để tạo việc làm, đặc biệt có nhiều cơ hội thúc đẩy khởi nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” ở Diễn đàn Mekong Startup lần I năm 2022 đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc mở rộng kết nối các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đến nay, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai, đem lại nhiều giá trị giúp nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Các mô hình nông nghiệp sinh thái đã được triển khai thành công, hiệu quả ở nhiều địa phương như: mô hình tôm - lúa ở Cà Mau; trồng lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh thuộc Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp của 12 tỉnh ĐBSCL. Những mô hình nói trên còn góp phần tích cực thực hiện cam kết của Chính phủ về chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững và cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Tôi tin tưởng và kỳ vọng, qua diễn đàn lần này sẽ tạo một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình để Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành ĐBSCL có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển mang tính liên vùng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, diễn đàn này đã trở thành “địa chỉ đỏ” để tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo. “Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong” sẽ được duy trì, phát triển trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn.
Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Trong phiên toàn thể của diễn đàn, các đề xuất sáng kiến, giải pháp của các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào 3 vấn đề, gồm: phát triển nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và giải pháp phát triển kinh tế xanh Mekong.
Cùng với đó, các doanh nghiệp mong muốn có thêm trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xanh, có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp xanh để giảm gánh nặng tài chính; hỗ trợ vốn vay ưu đãi hoặc vốn xanh nhằm giúp các doanh nghiệp trẻ đặc biệt trong giai đoạn đầu khó khăn về tài chính…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, người dân ĐBSCL đã và đang “tiên phong, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, tạo dựng được những mô hình khởi nghiệp theo định hướng kinh tế xanh để xây dựng quê hương, tận dụng tốt nguồn lực địa phương. Qua đó bước đầu tạo dựng được những nền tảng để phát triển, vươn tầm quốc tế.
Để những sáng kiến, giải pháp, của diễn đàn có cơ hội hiện thức hóa, tiếp tục thúc đẩy nhiều mô hình giá trị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các địa phương trong vùng cần tích cực nghiên cứu, mạnh dạn tham mưu, thử nghiệm hiệu quả hơn; đề xuất các cấp có thẩm quyền cho áp dụng các cơ chế đặc thù, thí điểm, thử nghiệm với đề án, chương trình cụ thể. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung nhận diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cùng với đó đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, cải thiện nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng: “Vùng ĐBSCL cần tận dụng tiềm năng sẵn có để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh cho nền kinh tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn của địa phương, vùng và cả nước”.
Tại diễn đàn, Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong được ra mắt với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh. Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong bao gồm 3 nhóm công tác: - Nhóm công tác Nông nghiệp xanh sẽ tập trung vào các sáng kiến giải pháp nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động môi trường, chuyển đổi số trong nông nghiệp). - Nhóm công tác Du lịch xanh sẽ hỗ trợ, phát triển các sáng kiến, mô hình du lịch bền vững, trách nhiệm, tăng cường. - Nhóm công tác Thanh niên Mekong xanh hướng đến việc nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng cho thanh niên và gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. |
Bạch Hân