Mục tiêu của Nghị định sửa đổi nhằm giải quyết các khó khăn, tồn tại từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 14/2018/NĐ-CP; đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân, không cho phép lợi dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại chính ngạch, khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, Nghị định số 14/2018/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại biên giới dựa trên cơ sở các Luật, Nghị định và Điều ước quốc tế liên quan tạo động lực phát triển kinh tế vùng biên giới, kết nối các vùng sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu cần thiết để phục vụ sản xuất trong nước...
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 14/2018/NĐ-CP đã phát sinh một số vấn đề trong hoạt động thương mại biên giới. Hoạt động thương mại khu vực biên giới tuy có tăng trưởng qua các năm nhưng nhìn chung chưa thật sự sôi động, quy mô còn hạn chế, mặt hàng xuất nhập khẩu chưa phong phú, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vẫn còn diễn ra khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc vào các dịp Lễ, Tết, đặc biệt tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Một số quy định hiện nay được đánh giá là không còn phù hợp hoặc không theo kịp tình hình phát triển thương mại biên giới trong thực tế cũng như chính sách, định hướng quản lý biên giới, phát triển xuất nhập khẩu nói chung hiện nay...
Từ các vấn đề thực tiễn nêu trên, Bộ Công thương nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP là cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại biên giới.
Đồng thời, khắc phục những vấn đề phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP như khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá (đặc biệt là nông sản) qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc theo hình thức thương mại chính ngạch.
Theo Bộ Công thương, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 14/2018/NĐ-CP trong thời gian qua đã phát sinh một số tồn tại khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thương mại biên giới.
Hoạt động thương mại khu vực biên giới tuy có tăng trưởng qua các năm nhưng nhìn chung chưa thật sự sôi động, quy mô còn hạn chế, mặt hàng xuất nhập khẩu chưa phong phú, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; khu vực cửa khẩu biên giới một số nơi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ; việc huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu còn hạn chế, tiến độ xây dựng còn chậm.
Một số quy định hiện nay được đánh giá là không còn phù hợp hoặc không theo kịp tình hình phát triển thương mại biên giới trong thực tế cũng như chính sách, định hướng quản lý biên giới, phát triển xuất nhập khẩu nói chung hiện nay...
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại biên giới và khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh, việc xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP là cần thiết.
Dự thảo nêu rõ, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 theo hướng điều chỉnh phạm vi đối tượng cư dân biên giới áp dụng theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 theo hướng quy định chi tiết các Bộ phối hợp, tham gia ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới để quyết định công bố danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 theo hướng điều chỉnh quy định về các giấy tờ xuất nhập cảnh phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 22 theo hướng điều chỉnh quy định về các giấy tờ xuất nhập cảnh phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 24 theo hướng bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân, thương nhân biên giới, định kỳ ngày 10 hàng tháng cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới và cung cấp thông tin, số liệu đột xuất theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Theo dự thảo, kể từ ngày 01/01/2025, giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân để hài hòa, đồng bộ với việc thay đổi chính sách đối với xuất khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân.
Kể từ ngày 01/01/2025, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.
Kể từ ngày 01/01/2025, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.
Kể từ ngày 01/01/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Kể từ ngày 01/01/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới.
Kể từ ngày 01/01/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.