Thành Sơn là xã đặc biệt khó khăn được sáp nhập từ 3 xã vùng cao của huyện Mai Châu (Hoà Bình), đại đa số dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy lợi thế địa phương, xã Thành Sơn chủ trương tạo việc làm tại chỗ thông qua du lịch cộng đồng. Mô hình này mở ra nhiều cơ hội cho các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ giúp ổn định kinh tế mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào.
Bên cạnh vận động một số hộ dân xây dựng homestay, UBND xã còn phối hợp các phòng chức năng của huyện mở lớp đào tạo nghề kỹ năng quản lý du lịch cộng đồng tại xã.
Chị Hà Thị Bích, xóm Nà Phặt, xã Thành Sơn, là học viên lớp đào tạo nghề. Chị kể lớp đào tạo có thời hạn 3 tháng với những kiến thức thực tế về lễ tân, phục vụ, quảng bá thương hiệu, tổ chức hoạt động trải nghiệm.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thành Sơn có 3 điểm du lịch cộng đồng và một số doanh nghiệp liên kết với các hộ dân địa phương làm du lịch, tạo việc làm tại chỗ cho người dân, trong đó có không ít người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Ngoài phát triển mô hình du lịch cộng đồng, xã Thành Sơn tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong đó, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, UBND xã đã hỗ trợ 50 con bò lai cho các hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, 26 con bò lai đã sinh sản và tiếp tục được chuyển cho các hộ trên địa bàn.
Linh hoạt lồng ghép các nội dung tạo sinh kế, với các nguồn lực được phân bổ, xã Thành Sơn tập trung hỗ trợ bà con nâng cao hiệu quả, mở rộng diện tích một số cây trồng chủ lực như ngô lai, lạc và cây thế mạnh là tỏi tía, khoai sọ, khoai lang... Đến năm 2024, toàn xã có 12 ha tỏi tía, 28 ha khoai lang, khoai sọ, 900 ha ngô và 150 ha lạc.
Lãnh đạo xã Thành Sơn nhận định nguồn lực từ các chương trình MTQG đã tạo sinh kế cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo. Họ không chỉ được hỗ trợ con giống hay vốn mà còn được tiếp cận được khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và cách thức quản lý. Hỗ trợ ban đầu của Nhà nước là bệ đỡ để năm 2024, nhiều hộ đã tìm được hướng đi trong phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình hàng năm giảm từ 2-3%.
Trên toàn huyện Mai Châu, hàng nghìn hộ dân thoát nghèo từ các chính sách hỗ trợ mô hình sinh kế. Người dân nơi đây ngày càng tự tin, hăng hái sản xuất, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Năm 2024, bên cạnh tập trung tuyên truyền, huyện Mai Châu xác định chú trọng hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng.
Đến nay, trung bình mỗi năm Mai Châu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ 1-1,5%. Đến đầu năm 2024, toàn huyện có 2.353 hộ nghèo.
Năm 2024, huyện được cấp hơn 19,2 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện dành hơn 9,6 tỷ đồng thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Đến nay, 100% người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện được cấp thẻ BHYT.
100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo và hỗ trợ chi phí học tập; thực hiện đồng bộ các chính sách khác về giáo dục và đào tạo theo quy định để giảm nhanh chiều thiếu hụt về giáo dục.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã gia hạn và cấp mới thẻ BHYT cho 1.810 người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; tất cả hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện.