Ngày 20/10/2023 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Châu Thành, Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân.

Tham dự hội nghị có 230 đại biểu là lãnh đạo, công chức Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

tiep-can-phap-luat3-1.jpg
Có 230 đại biểu tham dự hội nghị tập huấn. 

Ông Lâm Sáng Tươi, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh nêu mục đích yêu cầu của buổi tập huấn là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân tại tỉnh Trà Vinh.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (22/7/2021) của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 09/2021/TT-BTP (15/11/2021) của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Hướng dẫn đánh giá các tiêu chí về tiếp cận pháp luật phục vụ đánh giá xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Giải đáp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của địa phương trong quá trình triển khai việc đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe phổ biến về các nội dung trong Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân" với các nhiệm vụ trọng tâm như: Thông tin, truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật; các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân; nâng cao nhận thức của người dân về ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật; vai trò của công tác trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý dưới nhiều hình thức; tuyên truyền, triển khai thực hiện Bộ pháp điển điện tử để các cá nhân, tổ chức tra cứu, khai thác và áp dụng hệ thống quy phạm pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

Cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật cho người dân bằng các hình thức phù hợp, trong đó chú trọng đổi mới cách thức, hình thức thực hiện gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, ấn phẩm…

Nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.

Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong hỗ trợ người dân tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật. Các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được nâng cao năng lực, phát huy trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật cho người dân.

Quỳnh Nga

Hải Dương và nhóm PV, BTV