- Nghe Hội đồng xét xử bác kháng cáo xin hưởng án treo, Linh thét lên rồi khụy xuống bên vành móng ngựa. Quá sợ hãi trước những ngày tháng lao tù, thiếu nữ tát CSGT vật vã, lao lên đập đầu vào cái bàn trước mặt mặc cho gia đình hết lời khuyên ngăn.
TIN BÀI KHÁC


Liên quan đến vụ thiếu nữ tát CSGT trên phố, ngày 9/1, TAND TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1993, học sinh) về tội “chống người thi hành công vụ” theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Một phút nông cạn

Trước vành móng ngựa, với hai bím tóc tết đuôi sam, gương mặt tiều tụy của thiếu nữ trẻ lộ rõ vẻ hoang mang. Đầu cúi thấp, Linh ấp úng trả lời từng câu thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa.
Bị cáo kháng cáo vì lý do gì?
– “Dạ, con xin tòa cho con hưởng án treo để con được tiếp tục đi học”, nước mắt ngắn dài, cô bé khúm núm trình bày trước Hội đồng xét xử.
Tòa chưa thẩm vấn nhiều nhưng Linh đã khóc, đôi vai gầy run lên. Suốt phần thẩm vấn, vị chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở bị cáo giữ thái độ bình tĩnh để trả lời.

Bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh.


Linh thừa nhận: vào khoảng 6h30 phút ngày 2/7/2011, bà Trương Thị Hạnh (mẹ của Linh) có điều khiển xe máy chở Linh và em trai chạy ngược chiều trên tuyến đường Lê Văn Khương (quận 12, TP.HCM). Thấy xe chở ba lại chạy ngược chiều nên đồng chí Ánh đã ra hiệu dừng xe để kiểm tra giấy tờ.
Bà Hạnh không xuất trình được đầy đủ giấy tờ nên CSGT Ánh và đồng nghiệp là Vũ Quang Long tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Lúc này, bà Hạnh giật cuốn biên bản và giấy đăng ký xe, đồng thời giằng lấy xe định đẩy đi thì bị hai CSGT giữ lại.
Thấy vậy, Linh đã dùng tay xô đồng chí Ánh ra giữa đường sau đó quay lại lấy tay xô đồng chí Long, tiếp tục dùng tay tát vào người, vào mặt đồng chí này rồi la hét và ngất xỉu.

Giải thích về hành vi phạm tội, Linh khai, do thấy mẹ vừa giằng xe vừa khóc, ba mẹ con bị cáo chỉ có một cái xe làm phương tiện đi lại nên bị cáo hoảng loạn, không giữ được bình tĩnh dẫn đến hành động nhất thời.
Về lý do xin được hưởng án treo, cô bé thút thít cho biết hiện cha mẹ đã ly hôn, mẹ bị cáo sức khỏe yếu, bị cáo là lao động chính trong gia đình, bị cáo đang đi học, sức khỏe yếu nên xin tòa xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc bị cáo nhận thức thế nào về hành vi phạm tội, câu nói ngây ngô của Linh khiến người nghe không khỏi ngỡ ngàng. “Lúc đó con chỉ nghĩ là làm thế cũng không gây thương tích gì cho đồng chí công an đó, con nghĩ cũng giống như ở nhà mẹ con uýnh (đánh - PV) con thôi chứ không nghĩ là phạm tội như thế”. 
Hội đồng xét xử bức xúc: “Bị cáo học đến lớp mấy?
– “Dạ lớp 12 ạ”.
Vậy nhận thức thế nào mà trả lời là bị cáo đánh người ở ngoài đường mà như mẹ bị cáo đánh bị cáo ở nhà được”.
Linh im bặt, phiên tòa im phăng phắc.

Hai bản án

Lý do nghèo đâu có thể chấp nhận để bao biện cho hành vi phạm tội của bị cáo. Nhiều ý kiến cho rằng hoàn cảnh khó khăn cần xem xét nhưng tôi thấy thật khó có thể tha thứ, đã vi phạm pháp luật thì phải chịu sự trừng phạt.
Bị cáo phải nhận thức rằng mỗi người có một hoàn cảnh riêng, có bệnh tật, khó khăn khác nhau…nhưng dù thế nào người ta cũng phải giữ được tư cách của mình cho đúng đắn để người khác tôn trọng, bản thân phải cố gắng thì mới mong thoát nghèo được chứ?

…Tôi gặp bị cáo ở đây, tôi chỉ muốn nói những lời này với bị cáo. Cộng đồng trên mạng vô cùng rộng, tốc độ lan truyền cực nhanh, hành vi của bị cáo đã được người đi đường quay lại đưa lên internet.

Dư luận từng phản đối, nhận xét rất nhiều về hành động của bị cáo, không ai có thể ngăn cản, không ai có thể cấm đoán và hậu quả hôm nay bị cáo phải chịu, đến khi nào mới gột rửa được?
Sau phiên tòa này, dù Hội đồng xét xử quyết định thế nào bị cáo cũng phải cố gắng để vượt qua và sống tốt hơn
”, ánh mắt nghiêm nghị, vị thẩm phán nói ra những lời đầy tâm huyết.

Phát biểu quan điểm về vụ án, vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng, mức án 9 tháng tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên là tương xứng với mức độ, tính chất hành vi phạm tội. Từ đó, Viện đề nghị tòa bác kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo, giữ nguyên mức án 9 tháng tù. Nghe lời đề nghị của Viện kiểm sát, Linh lại khóc.

Tôi thừa nhận tội danh cũng như mức hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, nhưng mong Tòa xem xét, cho bị cáo được hưởng án treo để tiếp tục đi học, có cơ hội để phấn đấu, chuộc lại lỗi lầm.
Vụ án xảy ra dư luận rất quan tâm nên khi bị cáo ra đường vẫn bị người ta chỉ trỏ, thậm chí bị cáo phải đeo khẩu trang để che kín mặt…
Đó cũng là một bản án quá lớn với bị cáo rồi, bị cáo phạm tội khi chưa thành niên nên thật sự rất mong tòa xem xét
”, bào chữa cho Linh, vị luật sư ngậm ngùi, dưới hàng ghế người dự khán, vài tiếng xì xào tỏ vẻ đồng tình.

Để quyết định hình phạt với bị cáo, Hội đồng xét xử phải nghị án trong khoảng thời gian khá dài. Tòa nhận định, mức án 9 tháng tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên với thiếu nữ tát CSGT hoàn toàn đúng pháp luật nên không thể chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo, cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.
Nhưng do hoàn cảnh bị cáo khó khăn, bị cáo hiện đang đi học, tại phiên phúc thẩm bị cáo đã thể hiện thái độ đặc biệt ăn năn, thành khẩn nên cấp phúc thẩm giảm án cho bị cáo xuống còn 6 tháng tù.

Khi Hội đồng xét xử vừa bước ra khỏi phòng xử án, Linh thét lên rồi khụy xuống bên vành móng ngựa. Quá sợ hãi trước những ngày tháng lao tù, cô bé vừa vật vã vừa lao lên đập đầu vào cái bàn trước mặt mặc cho gia đình hết lời khuyên ngăn. Chứng kiến sự việc, nhiều người dự khán rơi nước mắt bảo mẹ Linh nhớ làm đơn xin hoãn thi hành án để cô bé được tiếp tục đi học.

Chiếc xe taxi được chạy vào trước cửa phòng xử án, thiếu nữ trẻ được người thân bế lên xe. Dù đã được giảm nhẹ một phần hình phạt nhưng ánh mắt người thân vẫn buồn vời vợi.
Vì một phút nông nổi, đến khi nào bị cáo mới gột rửa được hình ảnh của mình?”, câu hỏi của vị thẩm phán vẫn đâu đây.

M.Phượng