Những năm trước, khi hình thức gọi xe công nghệ xuất hiện và ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam, nhiều người dần quên taxi truyền thống. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, giá xăng dầu tăng cao, không ít người đã quay lại với taxi truyền thống vì gọi xe công nghệ ngày càng khó, giá cước tăng vô tội vạ.

Người tiêu dùng quay lưng

Anh Bình (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết chiều thứ bảy vừa rồi, anh cùng gia đình gọi taxi từ Tân Bình về quận 1, đúng vào giờ cao điểm mà chưa tới 100.000 đồng. Trong khi đặt xe công nghệ bị tính tới 200.000 đồng gồm tiền cước và đủ loại phụ phí khác. Đáng nói là anh đặt rất nhiều app (ứng dụng) vẫn không có xe nên mới gọi taxi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những trường hợp như anh Bình không phải là chuyện hiếm ở TP HCM. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều tháng qua, nguyên nhân là do ngày càng có nhiều tài xế xe công nghệ tắt app, nghỉ chạy do giá xăng dầu tăng cao, các hãng giữ chiết khấu quá cao, càng chạy càng lỗ. Ông Lê Minh Hiếu (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) trước đây thường xuyên sử dụng xe công nghệ để đi lại nhưng giờ đã chuyển sang xe ôm hoặc taxi truyền thống vì giá ổn định và dễ kiếm xe hơn.

"Nhiều người tới giờ vẫn nghĩ giá cước xe công nghệ thấp hơn taxi, xe ôm nhưng thực tế hoàn toàn khác. Ngoài giá cước họ tính trên 10.000 đồng/km thì họ còn tính nhiều thứ phụ phí cho mỗi chuyển xe rồi bắt khách hàng phải trả. Chưa kể cách tính giá cước của họ cũng rất kỳ quái, những lúc cao điểm, mưa gió hay địa điểm đông người là giá cước nhảy lên gấp 2-3 lần bình thường nhưng không phải cứ đặt xe là có mà phải chờ rất lâu, thậm chí cuốc xe tự hủy mà người dùng không hiểu vì sao" - ông Hiếu bức xúc.

Tương tự, anh Chu Hậu (ngụ TP Thủ Đức) cho biết trước đây anh thường sử dụng xe công nghệ để đi làm nhưng gần đây chuyển sang taxi, mỗi chuyến tiết kiệm được vài chục ngàn đồng vì họ chỉ tính một giá, không có giá linh hoạt cũng như không có phụ phí gì cả. "Gọi taxi hiện nay rất dễ dàng. Một số hãng còn có app đặt xe, chỉ cần lên đó đặt xe, giá cả, tuyến đường, cự ly đều thể hiện rõ ràng trên app. Còn những người không có điện thoại thông minh thì gọi cho tổng đài của hãng taxi cũng được phục vụ nhanh chóng. Tuy nhiên, một số chuyến đi gần 1-2 km tài xế taxi thường từ chối khiến nhiều người bức xúc" - ông Hậu thông tin.

Trong khi đó, ông Trần Văn Toàn (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết trước đây chạy GrabCar vừa tắt app nghỉ để chuyển sang chạy taxi. "Chạy xe công nghệ hiện nay thiệt đủ đường, chiết khấu hơn 30%, tiền kiếm được không còn bao nhiêu. Trong khi mang xe qua chạy taxi chỉ đóng khoảng phí 6%-7% trên doanh thu cho hãng, nhẹ nhàng hơn rất nhiều" - ông Toàn cho biết.

Còn ông Khuất Văn Tùng (ngụ quận Tân Bình), trước đây chạy dịch vụ xe công nghệ, gần đây ông sang chạy cho taxi Vinasun, nhận xe của hãng chạy và được ăn chia 50/50, mọi thứ chi phí đều do hãng chịu hết. Theo ông Tùng, nếu chạy được hơn 2 triệu đồng thì phần mức vượt 2 triệu đồng, tài xế được hưởng tới 90% chứ không phải chiết khấu nhiều như các hãng xe công nghệ.

Taxi truyền thống trở lại - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng các hãng taxi truyền thống cần cải tiến nhiều hơn để lấy lại hình ảnh trong mắt người tiêu dùng. Ảnh: TẤN THẠNH

Taxi truyền thống phải đổi mới

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Xe khách TP HCM, nhận xét khi mới hoạt động, các hãng xe công nghệ ra sức chăm sóc khách hàng với hàng loạt ưu đãi, cước giá rẻ, giảm giá, tặng thêm chuyến đi miễn phí. Đến khi chiếm lĩnh được thị trường thì họ quay lại áp đặt đủ thứ phí, tăng giá cước vô tội vạ, rồi bắt người tiêu dùng gánh chịu.

Đặc biệt, gần đây các hãng còn đưa ra nhiều loại phụ phí, nhất là Grab phụ thu thời tiết nắng nóng gay gắt đã gây bất bình với người tiêu dùng. Do đó, việc nhiều người chọn chuyển sang sử dụng xe taxi truyền thống cũng là dễ hiểu. Tuy vậy, taxi truyền thống cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục mới mong lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

TS Đoàn Hồng Đức, Trưởng Bộ môn Quy hoạch Giao thông Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, cho rằng trong thời đại hiện nay, taxi truyền thống và xe công nghệ đều là một phần không thể thiếu của hệ thống giao thông đa phương thức tại các đô thị trên thế giới và ở Việt Nam. Với các hãng gọi xe công nghệ, sau một thời gian bỏ vốn để quảng cáo chiếm lĩnh thị trường thì họ đã tăng cước, phí và chiết khấu để thu hồi vốn và tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế khó khăn, việc tăng cước, phí trong khi chất lượng dịch vụ lại không tương xứng đã ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Đây có thể là cơ hội cho các hãng taxi tăng cường đội phương tiện và lấy lại hình ảnh của mình, qua đó lấy lại sự cân bằng của hai loại hình giao thông trong đô thị, giúp phần nào giảm bớt sự tăng trưởng số lượng quá nóng một thời gian dài của các hãng xe công nghệ, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc ở trong các độ thị trong giờ cao điểm.

Theo PGS-TS Phạm Thị Anh, Viện phó Viện Xây dựng Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, các doanh nghiệp taxi truyền thống muốn lấy lại lòng tin của khách hàng cần phải sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, kinh nghiệm phong phú. Đồng thời cắt giảm những chi phí không cần thiết, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để có được mức giá cước hợp lý mới mong thu hút khách hàng và cạnh tranh với các hãng xe công nghệ. "Doanh nghiệp taxi còn có Công đoàn và các chế độ bảo hiểm, phúc lợi cho tài xế chính là những lợi thế mà các hãng cần phát huy nếu muốn so với xe công nghệ" - PGS-TS Phạm Thị Anh nhìn nhận.

Lãnh đạo hãng taxi Vinasun cho biết doanh số của hãng thời gian gần đây tăng rất cao, so với thời điểm trước dịch Covid-19, mức tăng lên đến 50%. Để nâng chất lượng dịch vụ, hãng đã đưa vào hoạt động hơn 2.500 xe nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. "Chúng tôi đang mua thêm xe mới để đưa vào hoạt động nhưng thời điểm này rất khó nhận được xe do chuỗi cung ứng linh kiện xe bị đứt gãy" - vị này cho biết.

Tương tự, đại diện hãng taxi Mai Linh cũng xác nhận nhu cầu sử dụng taxi đang tăng khá cao, hoạt động hết công suất. Do đó, cần phải tăng cường thêm lượng đầu xe để phục vụ khách hàng tốt hơn.

 

(Theo Người Lao Động)