Tây Giang hiện là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Nam, với 50,61%. Số hộ nghèo ở huyện miền núi nghèo này chiếm 11,5% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Tây Giang đạt 26,5 triệu đồng/năm.
Theo kế hoạch triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của huyện, địa phương phấn đấu giảm 330 hộ nghèo, tương ứng 6%. Huyện có 10 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó hơn 90% dân số là dân tộc Cơ tu. Năm nay, huyện Tây Giang quyết tâm giảm hơn 7% số hộ nghèo dân tộc thiểu số.
Chăm lo giảm nghèo cho người dân, huyện Tây Giang không chỉ chú trọng nâng cao thu nhập tối thiểu mà còn quan tâm đến các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, việc làm, y tế, giáo dục... cho người dân.
Để tạo việc làm cho người dân, trong đó có nhiều người nghèo, cận nghèo, huyện tuyên truyền, khuyến khích người lao động tại 10/10 xã tham gia sàn giao dịch việc làm. Kết quả có hơn 100 thanh niên đăng ký làm việc tại các công ty trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, huyện triển khai đa dạng mô hình sinh kế cho cộng đồng, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Năm 2024, thực hiện Dự án 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Tây Giang được bố trí gần 8 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương được cấp hơn 7,2 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách tỉnh). Địa phương tiếp tục thực hiện 10 dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân như hỗ trợ chăn nuôi, phát triển cây dược liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm bản địa...
Qua kiểm tra, các mô hình sinh kế bước đầu cho kết quả khá khả quan, tạo động lực thúc đẩy phát triển mô hình giảm nghèo bền vững. Người dân sau khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, được hỗ trợ cây/con giống cùng vật tư liên quan đã tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững từ các mô hình sinh kế được hỗ trợ.
Trung tuần tháng 9, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức họp trực tuyển để thẩm định dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự án chăn nuôi sinh sản tại thôn Aró, Nal và Pơr’ning thuộc xã Lăng, huyện Tây Giang.
35 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng tại 3 thôn trên đây được dự án hỗ trợ 105 con bò giống, tương đương mỗi hộ được hỗ trợ 3 con bò giống, gồm 2 con cái (bò cỏ địa phương) và 1 con đực (bò lai). Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ một phần thức ăn tinh, vắc xin, thuốc tẩy ký sinh trùng, hóa chất tiêu đột khử trùng, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 3,6 tỷ đồng.
Xuất phát điểm là huyện rất nghèo, đến nay hơn một nửa hộ gia đình tại đây vẫn thuộc diện hộ nghèo, lãnh đạo huyện Tây Giang hiểu rõ hành trình xoá nghèo, quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo về dưới 25% vào năm 2029 vẫn còn nhiều khó khăn, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần sự chung tay hỗ trợ của các ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội.
Thực tế, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Tây Giang và các tổ chức thành viên, các ban, ngành, đoàn thể tại huyện đã chung tay giúp người dân từng bước giảm nghèo.
Mới đây, người dân lưu vực hồ Thủy điện A Vương thuộc xã Dang, huyện Tây Giang được một công ty hỗ trợ 4.400 cây giống tre Điền Trúc lấy măng và phân bón, với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Lãnh đạo xã Dang cho biết sự hỗ trợ này rất ý nghĩa, có tính bền vững. Điều này giúp người dân tạo thêm niềm tin, động lực từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhận được cây giống, người dân nghèo xã Dang rất hào hứng, bắt tay triển khai trồng đồng loạt. UBND xã Dang cũng cử cán bộ đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc để cây tre Điền Trúc lấy măng phát triển tốt, cho năng suất cao.
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Huyện đoàn Tây Giang đã hỗ trợ hàng chục hộ thanh niên khó khăn, đáp ứng tiêu chí phát triển mô hình chăn nuôi bền vững. Đn vị triển khai mô hình kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ, hỗ trợ 3.440 con giống vịt xiêm cùng bột thức ăn dinh dưỡng cho đàn vịt, tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng áp dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm...
Đến nay, nhiều hộ đã xuất bán đàn vịt, trở thành địa điểm cung ứng giống và thịt vịt xiêm tại địa phương. Mô hình này đã giúp thanh niên có điều kiện tiếp cận công nghệ trong chăn nuôi, phát huy hiệu quả kinh tế tập thể, góp sức vào mục tiêu thoát nghèo.
Trong khi đó, Hội LHPN huyện Tây Giang triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên khó khăn, nhất là ở địa bàn biên giới. Đề án mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo được UBND huyện phê duyệt, tạo động lực khuyến khích phụ nữ thoát nghèo. 6 hộ phụ nữ ở xã Bha Lêê được hỗ trợ 24 con heo giống và thức ăn để phát triển sản xuất mô hình nuôi heo cỏ địa phương sinh sản. Hội còn phối hợp tập huấn nâng cao kiến thức trong chăn nuôi, giúp mô hình sinh kế thêm hiệu quả.
Nhờ được hỗ trợ sinh kế, nhiều hộ phụ nữ Cơ tu khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, được tiếp cận cách thức chăn nuôi mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế gia đình theo hướng tích cực, từng bước thoát nghèo.