3Spencer Tunick   Cover.jpg
Spencer Tunick.

Tháng 10 tới, tại một sự kiện văn hoá lớn của cộng đồng LGBT+ ở Mỹ, nhiếp ảnh gia Spencer Tunick sẽ tiếp tục thực hiện một bộ ảnh khoả thân quy mô lớn, dự kiến có sự tham gia của hơn 2.500 người. Ông đã lên kế hoạch cho dự án này từ năm ngoái với nhiều bước chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hình ảnh hàng nghìn người “không mảnh vải che thân” cùng xuất hiện tại một địa điểm có thể gây sốc cho nhiều người nhưng với Spencer Tunick, đó là công việc quen thuộc trong hơn 30 năm qua.

Từ nhiếp ảnh đến nghệ thuật sắp đặt và trình diễn khoả thân

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Spencer Tunick được sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái ở New York (Mỹ). Cha ông sở hữu một cửa hàng dịch vụ chụp ảnh lấy ngay cho du khách tại Catskills. Năm 1986, ở tuổi 19, Tunick có chuyến đi đến London (Anh) và thực hiện buổi chụp ảnh khoả thân nơi công cộng đầu tiên của mình. Đến năm 1988, ông lấy bằng Cử nhân Nghệ thuật tại trường Emerson College.

Từ năm 1992, ông bắt đầu công việc chụp ảnh khoả thân trực tiếp tại các địa điểm công cộng ở New York. Giai đoạn này, đa số tác phẩm tập trung vào cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Bước ngoặt sự nghiệp của Spencer Tunick đến vào buổi chụp ảnh năm 1994, khi ông dàn dựng cho 28 người khoả thân trước trụ sở Liên Hiệp Quốc. 

“Tất cả bắt đầu từ đây, đưa sự nghiệp của tôi từ nhiếp ảnh sang nghệ thuật sắp đặt và nhiếp ảnh trình diễn”, ông tiết lộ với tờ Shawangunk Mountain Guide vào năm 2010.

1. Spencer Tunick.jpg
Spencer Tunick hướng dẫn một đám đông tình nguyện viên sắp xếp cho buổi trình diễn và chụp ảnh khoả thân trên bãi biển Sydney. Ảnh: Don Arnold/WireImage.

Kể từ đó đến nay, Tunick tổ chức hơn 100 buổi trình diễn khoả thân nơi công cộng với sự tham gia của hàng chục, hàng trăm hoặc hàng nghìn tình nguyện viên và ghi chép về những sự kiện này thông qua các bức ảnh.

Trong tác phẩm của Tunick, các tình nguyện viên không mặc quần áo được nhóm lại, sắp xếp theo một hình dạng phá cách nào đó. Cơ thể của họ được bố trí để hoà quyện vào quan cảnh theo ý đồ của nhiếp ảnh gia.

Những hình dạng này - không nhấn mạnh đến tình dục - thường mang tính trừu tượng cao hoặc định hình lại quan điểm về sự khỏa thân và riêng tư. Tác phẩm cũng thể hiện sự phức tạp trong việc trình bày nghệ thuật ở không gian công cộng.

Tunick dàn dựng những buổi khoả thân tập thể trong nhiều bối cảnh khác nhau, từ trung tâm đông đúc đến sa mạc hoang vắng, trải dài qua nhiều nền văn hoá và điều kiện tự nhiên.

Ông thường chọn những tòa nhà nổi tiếng hoặc những cấu trúc khác thường làm bối cảnh chính cho bức ảnh của mình. Tuy nhiên, chất liệu nghệ thuật quan trọng nhất vẫn là con người.

Tunick cũng thích phông nền thiên nhiên. Ông thực hiện một số tác phẩm sắp đặt trong bối cảnh hoang dã, chẳng hạn loạt ảnh do tổ chức quốc tế Greenpeace đặt hàng, trong đó một nhóm lớn người khoả thân tạo dáng trên sông băng.

Những sự kiện gây sốc

2. Santiago.jpg
Khoảng 4.000 tình nguyện viên có mặt trong buổi chụp ảnh khoả thân gây tranh cãi của Tunick tại Santiago (Chile) vào năm 2002. Ảnh: Latercera.

Vào ngày 30/6/2002, nhiếp ảnh gia người Mỹ tập hợp khoảng 4.000 người cho một màn trình diễn khỏa thân hoành tráng, vượt quá mọi sự mong đợi của người tham dự, bất chấp thực tế nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ mức 0 và cùng thời điểm với trận chung kết World Cup 2002 giữa Đức và Brazil diễn ra tại Nhật Bản.

Buổi biểu diễn khoả thân được tổ chức gần Parque Forestal, Santiago (Chile) trong sự phản đối kịch liệt của cư dân địa phương. Một số người theo chủ nghĩa bảo thủ và Cơ đốc giáo đã chỉ trích dữ dội, thậm chí còn biểu tình trước Palacio de La Moneda (nơi đặt trụ sở chính quyền Chile) sau khi sự việc xảy ra.

Theo kế hoạch ban đầu, quy mô buổi trình diễn chỉ từ 200-300 người, tuy nhiên, con số cuối cùng lên đến khoảng 4.000 (có nguồn tin cho biết số người tham dự có thể lên đến 5.000), gây sửng sốt cho chính Tunick.

Ngày 18/8/2007, Tunick sử dụng 600 người khỏa thân trong một "tác phẩm điêu khắc sống" trên sông băng nhằm thu hút sự chú ý đến tình trạng nóng lên toàn cầu và sự thu hẹp của các sông băng trên thế giới, trong dự án hợp tác với Greenpeace.

Nhiệt độ vào khoảng 10 độ C. Sông băng Aletsch thuộc dãy núi Alps, nằm ở miền nam Thuỵ Sĩ đã giảm 100m trong 2 năm 2005 và 2006. Tác phẩm sắp đặt hướng đến môi trường này được đưa tin bằng nhiều ngôn ngữ và phương tiện truyền thông trên khắp thế giới. Ngay cả các chính trị gia Thuỵ Sĩ cũng tham dự vào buổi trình diễn này.

Ngày 1/3/2010, Tunick thực hiện một loạt các tác phẩm sắp đặt có tên The Base tại sân trước và bên trong nhà hát Opera Sydney (Australia). Buổi trình diễn được thực hiện trong khuôn khổ Sydney Gay and Lesbian Mardi Gras, một trong những lễ hội lớn nhất thế giới của cộng đồng LGBT, đồng thời là tác phẩm sắp đặt quy mô lớn đầu tiên của Tunick tại Sydney, với hơn 5.200 người tham gia.

"Những người đàn ông và phụ nữ đồng tính nằm khỏa thân bên cạnh những người bạn dị tính của họ, điều này đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng người Australia đang hướng tới một xã hội tự do và bình đẳng", Tunick cho biết.

3. Hull.jpg
Hàng nghìn người sơn kín cơ thể bằng màu xanh trong sự kiện Biển Hull diễn ra tại Anh vào năm 2016. Ảnh: Danny Lawson/PA.

Ngày 9/7/2016, Tunick chụp ảnh 3.200 người không mặc trang phục, sơn xanh kín cơ thể, tại thành phố Kingston upon Hull, Anh. Dự án mang tên Biển Hull, được Phòng trưng bày nghệ thuật Ferens đặt hàng, nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến lễ kỷ niệm thành phố văn hoá trong năm 2017.

Cuộc tụ họp này là sự kiện lớn nhất trong số các dự án Tunick thực hiện tại Anh từ trước đến nay. “Tôi cần khoảng 2.500 đến 3.000 tình nguyện viên để thực hiện công việc và 3.200 người đã đến. Tôi vô cùng may mắn khi có thể lấp đầy những con phố dài”, nhiếp ảnh gia chia sẻ với trang The Guardian.

Với hàng trăm dự án chụp ảnh khoả thân nghệ thuật quy mô lớn, Spencer Tunick được xem là một tên tuổi đặc biệt của nghệ thuật hiện đại. Ông là nhân vật chính trong 3 bộ phim tài liệu của HBO, gồm Naked States, Naked World Positively Naked.