Để tăng giá trị của sản phẩm và tăng giá trị sử dụng đất, Tây Ninh đã mời gọi được các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bản tỉnh. Cùng với đó, bà con nông dân trong tỉnh cũng hưởng ứng áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ cao... Từ đó mở ra cơ hội phát triển bền vững cho tam nông của tỉnh.

Định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn 2022-2030

Là tỉnh nông nghiệp với nguồn nước dồi dào từ hai con sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Ðông cùng tài nguyên đất rộng lớn. Nông nghiệp Tây ninh chiếm tỷ trọng hơn 20% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. So với cả nước, tỷ lệ nông nghiệp của Tây Ninh chiếm khá cao. 

Tây Ninh xác định 4 đột phá chiến lược, trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, là một trong những đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững, người nông dân Tây Ninh có thể sống, làm giàu từ nông nghiệp.

Tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp nhận nhà đầu tư thực hiện đối với 2 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó:

Dự án trang trại chăn nuôi gà theo mô hình trại lạnh khép kín do Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp công nghệ cao Miền Đông Nam làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 350.000 con gà/lứa (5 lứa/năm), xây dựng trên diện tích 67.394,8 m2 tại ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với tổng mức vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Dự kiến dự án khởi công vào tháng 3/2024, hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 5/2025.

Dự án Nhà máy sản xuất thuốc lá công nghệ cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuốc lá Tây Ninh. Theo đó, dự án có tổng diện tích 20.237,7 m2 tại ấp Trại Bí, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Chủ đầu tư sẽ ký kết thu mua với những vùng trồng nguyên liệu hiện có tại các địa phương khác ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Long An.

Được biết, Tây Ninh định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn 2022-2030. 

Các chỉ tiêu phát triển của ngành nông nghiệp cơ bản đạt tiến độ theo lộ trình định hướng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giai đoạn từ 2020 đến tháng 6/2023, Tây Ninh đã chuyển đổi 7.640 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, nâng lũy kế tổng số diện tích cây trồng đã chuyển đổi toàn tỉnh đạt 41.000 ha, gia tăng giá trị sản phẩm thu được trên một héc-ta trồng trọt đạt 109 triệu đồng/năm (tăng chín triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ). Chăn nuôi phát triển mạnh với quy mô đàn trên 10 triệu con gia súc, gia cầm, tăng 6,1% so với năm 2020; tiếp tục chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học.

W-tayninh.png

Tây Ninh hiện có 627 trại chăn nuôi gia súc, 107 trang trại chăn nuôi gia cầm, tăng 12,6% so với năm 2020. Hằng năm ngành nông nghiệp và người dân trồng mới 210 ha rừng, góp phần duy trì độ che phủ rừng đạt 16,3%. Về thủy sản, tỉnh duy trì diện tích vùng nuôi 570 ha, sản lượng đạt 14.180 tấn thủy sản/năm.

Nửa nhiệm kỳ qua, Tây Ninh triển khai thực hiện 39 mô hình khuyến nông với kinh phí 6,6 tỷ đồng. Thông qua các mô hình khuyến nông tỉnh đã thực hiện chuyển giao các giải pháp về khoa học, công nghệ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus cho 180 tổ chức, cá nhân với diện tích 805 ha (lũy kế từ năm 2019 đến nay, hỗ trợ tổng diện tích 1.718,8 ha cây ăn quả, cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm).

Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì. Cụ thể, sản xuất lúa có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất (100% khâu làm đất, 2,5% khâu gieo, cấy, 65-70% khâu chăm sóc, 95-100% khâu thu hoạch vận chuyển), cây mía (100% khâu làm đất, 50-70% khâu chăm sóc, 40% khâu thu hoạch và 100% vận chuyển), cây mì (100% khâu làm đất, 15-30% khâu chăm sóc, 3% khâu thu hoạch và 100% khâu vận chuyển).

Trong giai đoạn vừa qua, Tây Ninh đã thực hiện 48 dự án đầu tư xây dựng cơ bản với tổng vốn 559 tỷ đồng, nổi bật là dự án trọng điểm tưới tiêu phía tây sông Vàm Cỏ cơ bản thi công hoàn thành giai đoạn 1, phục vụ sản xuất cho 17.000 ha đất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Bộ Y tế đạt 68%, tăng 6% so với năm 2020.

Qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ 11, các chỉ tiêu phát triển của ngành nông nghiệp được giao đã cơ bản đạt tiến độ theo lộ trình định hướng. Tổng giá trị GRDP ngành nông, lâm, thủy sản (theo giá hiện hành) năm 2022 đạt 20.869 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8.900 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn giữa nhiệm kỳ đạt 2,75%/năm; giá trị sản phẩm nông nghiệp thu được trên một héc-ta đất trồng trọt hiện đạt 109 triệu đồng/năm (Nghị quyết đến năm 2025: 115 triệu đồng/năm); tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 16,3% (Nghị quyết đến năm 2025: 16,4%); tỷ lệ xã nông thôn mới hiện đạt 85,9% (Nghị quyết đến năm 2025: 100%)…

Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Để rút ngắn hành trình trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tây Ninh đang chú trọng vào các nhóm giải pháp: Phát triển khoa học công nghệ; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường và các dịch vụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, Tây Ninh tập trung triển khai sử dụng quỹ đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương để thu hút đầu tư; thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất; rà soát lại các chỉ tiêu sản xuất, định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường; phát triển hạ tầng nông nghiệp qua việc đầu tư xây dựng thủy lợi, giao thông, hệ thống lưới điện; hình thành các vùng sản xuất tập trung; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh công tác khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao khoa học-công nghệ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao;...

Tuyết Nhung, và nhóm PV, BTV