Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng nổ của các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Instagram, Youtube... giúp cho việc cập nhật tin tức, kết nối của người dân diễn ra nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, trên mạng xã hội có nhiều luồng thông tin khó phân định được tốt, xấu, không rõ nguồn tin. Vì vậy, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần nhận diện, nêu cao cảnh giác và phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn những thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội.
Tại Tây Ninh, những trường hợp vi phạm quy định về sử dụng mạng xã hội, đăng thông tin sai sự thật, bịa đặt được tỉnh kiên quyết xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh phát hiện 69 trường hợp đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc chính sách của Ðảng và Nhà nước. Công an tỉnh ra quyết định xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền gần 77 triệu đồng; 39 trường hợp răn đe giáo dục, cho viết bản cam kết không tái phạm và xoá các bài viết đã đăng.
Tây Ninh tích cực nâng cao ý thức người dân cũng như các tổ chức chính trị khi sử mạng xã hội. Ảnh: VietNamNet. |
Học sinh, sinh viên là đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng từ mạng xã hội. Ngành giáo dục tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, định hướng, tuyên truyền học sinh trong các nhà trường ý thức được việc sử dụng mạng xã hội cũng như chia sẻ, đăng tải thông tin lên Facebook, Zalo…
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh về an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng mạng xã hội tại các nhà trường đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ngành giáo dục vẫn triển khai tuyên truyền cho các em qua các buổi học trực tuyến, tài liệu tham khảo…
Các trường học thường xuyên lồng ghép, đưa vào các tiết ngoại khóa bài học cảnh giác về vi phạm an toàn thông tin mạng. Thông qua chương trình, học sinh được tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, tình hình tội phạm, những hành vi phạm tội khi sử dụng mạng xã hội không đúng.
Từ năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh cũng đặt trọng tâm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch.
Các lực lượng đấu tranh phản bác của tỉnh được xây dựng thành hệ thống thống nhất ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Đồng thời, Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu cấp ủy xây dựng mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội ngoại tuyến. Đây là lực lượng nòng cốt trong triển khai tuyên truyền thông tin tích cực và đấu tranh phản bác, gỡ bỏ các thông tin sai trái, xấu độc trên Internet và mạng xã hội.
Việc nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trên Internet và mạng xã hội được tiến hành qua các kênh: Theo dõi, tổng hợp thông tin, dư luận trên mạng xã hội thông qua các trang, nhóm Facebook, Zalo, Mocha do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham gia quản trị và điều hành. Hoạt động nắm tình hình của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức phát và thu hồi phiếu điều tra dư luận xã hội địmh kỳ 2 lần/năm. Triển khai bảng hỏi điều tra dư luận xã hội trên các trang, nhóm Facebook công khai do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quản trị, điều hành.
Nhờ thực hiện nhiều hình thức nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội đã giúp địa phương kịp thời xử lý từ sớm nhiều vấn đề, vụ việc bức xúc, nhạy cảm ở cơ sở, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình an ninh trật tự, an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, việc cán bộ, đảng viên, công chức các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội là khá phổ biến, nhất là Facebook, Youtube và Zalo. Việc sử dụng Internet, mạng xã hội chủ yếu là để nắm bắt, tra cứu thông tin phục vụ công tác, kết nối bạn bè, đăng tải, chia sẻ, lan toả thông tin tích cực, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh quán triệt và xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho các tổ chức chính trị - xã hội và người dân là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó, Đảng và Nhà nước luôn giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Đây là giải pháp mang tính quyết định cho việc nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin cũng như sử dụng mạng xã hội.
Với học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên, hội sinh viên nhà trường là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên thanh niên, hội viên sinh viên, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn thông tin và kỹ năng sử dụng mạng xã hội, góp phần nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội đến với mỗi học sinh, sinh viên.
Tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, kết hợp giữa hình thức truyền thống với trực tuyến. Áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tương tác tự động (chatbot) để triển khai các hoạt động tuyên truyền chủ động, thông minh và tự động. Các biện pháp tuyên truyền được phối hợp linh hoạt, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng để nội dung tuyên truyền có sức lan tỏa rộng rãi, tạo ra năng lượng tích cực, an toàn trên không gian mạng.
Tỉnh đã xây dựng được lực lượng tuyên truyền, đấu tranh phản bác trên Internet và mạng xã hội đông đảo, tập hợp được nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia. Hoạt động tuyên truyền các thông tin tích cực, nắm bắt, định hướng dư luận và tổ chức đấu tranh phản bác, gỡ bỏ thông tin sai trái, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội đạt được kết quả quan trọng, tạo thành phong trào rộng rãi, có sức lan toả cao, được Trung ương và các tỉnh, thành bạn đánh giá cao.
Đa số cán bộ, đảng viên đã nhận rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực; có ý thức cảnh giác, chủ động tìm hiểu, nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tán phát thông tin sai trái, phản động, các đối tượng, cá nhân, tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước; biết cách lựa chọn và tiếp nhận thông tin phù hợp, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Tích cực thông tin, chia sẻ trên mạng xã hội của cá nhân, địa phương, đơn vị những gương người tốt, việc tốt, những hoạt động tích cực của ngành, đoàn thể, địa phương. Đăng tải, chia sẻ các tin, bài, hình ảnh, video clip vạch trần âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động.
Minh Phúc