UBND tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS và triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số năm 2024 và những năm tiếp theo của tỉnh Tây Ninh.
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS của tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua, xác định những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, đề ra những giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số trong năm 2024 và những năm tiếp theo để nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước trên địa bàn, UBND tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS và triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số năm 2024 và những năm tiếp theo của tỉnh Tây Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, xác định Công tác cải cách hành chính là nội dung quan trọng nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền đối với người dân, doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; nhất là vai trò của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kết quả Chỉ số PAPI năm 2023 và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 (PAPI 2023) là Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển - Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện bằng cách lấy mẫu phỏng vấn trực tiếp người dân tại 63 tỉnh, thành phố.
Tại Tây Ninh, ba địa phương được chọn ngẫu nhiên gồm TP. Tây Ninh (khu phố 3, 5 thuộc phường 1 và khu phố 2, 4 thuộc phường 2); TX.Trảng Bàng (khu phố Lộc Du, Lộc Thành thuộc phường Trảng Bàng; ấp An Bình, An Đước thuộc phường An Tịnh); huyện Tân Châu (khu phố 1, 4- thị trấn Tân Châu; ấp Thạnh An, Tân Bình thuộc xã Tân Hiệp). Số phiếu khảo sát được phân bố tối đa 25 phiếu ở mỗi ấp, khu phố. Tổng điểm tối đa của chỉ số PAPI là 80 điểm chia đều cho 8 tiêu chí.
Kết quả công bố chỉ số PAPI 2023 của Tây Ninh đạt 39,24 điểm, giảm 0,18 điểm (39,42), xếp hạng thứ 60/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ nguyên bậc so với năm 2022.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, năm 2023 kết quả Chỉ số Par Index, Sipas vẫn còn thấp (điểm số PAPI 2023 của Tây Ninh là 39.24 điểm; Chỉ số PAPI 2023 của Tây Ninh có thứ hạng thứ 60/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); vẫn còn nhiều nội dung, tiêu chí thành phần trong các chỉ số của tỉnh chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp; các nội dung liên quan chính sách phát triển kinh tế, quản trị môi trường, tiếp cận đất đai, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị có chỉ số thấp; vẫn còn những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ giao tiếp, ứng xử chưa đúng mực, gây bức xúc với công dân, nhất là một số lĩnh vực như đầu tư, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Qua đó cho thấy sự nỗ lực trong công tác cải cách hành chính của Tây Ninh vẫn chưa tạo ra những chuyển biến tích cực, những điểm nhấn đối với từng lợi thế của địa phương chưa được phát huy hết.
Tham dự hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - Phạm Minh Hùng đã trao đổi về kết quả thực hiện các Chỉ số Par Index, Sipas của tỉnh Tây Ninh thời gian qua và đưa ra các khuyến nghị đối với tỉnh trong thời gian tới nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số nền hành chính tỉnh Tây Ninh.
Theo ông Phạm Minh Hùng, người dân Tây Ninh mong đợi tỉnh tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân; tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với nhân dân; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức trong giải quyết công việc cho nhân dân; nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức trong giải quyết công việc; nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị.
Từ những kết quả nêu trên, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính đề nghị tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện một số giải pháp nâng cao các chỉ số như: khắc phục những điểm yếu chỉ ra trong từng chỉ số; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính; nâng cao năng lực của cơ quan thường trực; phát huy tối đa vai trò của người đứng đầu; đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch trong mọi hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; chú trọng đến chính sách, dịch vụ người dân quan tâm nhiều và cuối cùng nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.