Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2010 cho đến nay, Tây Ninh luôn nhất quán quan điểm sự đồng thuận của nhân dân, nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể là yếu tố quyết định đầu tiên cho sự thành công.
Đến tháng 10/2022, tỉnh có 55/71 xã đạt chuẩn thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu và ít nhất 50% số huyện sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bước sang giai đoạn mới, cuối tháng 7/2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó, 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo, trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Để xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại và phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Tây Ninh thống nhất tập trung triển khai hiệu quả 11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng các chương trình chuyên đề.
Cùng với đó, tỉnh nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Tây Ninh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân, có kiến trúc phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, khai thác từ tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh chú trọng tích hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là giải pháp giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Du lịch nông nghiệp, nông thôn còn tạo sự kích hoạt, thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét riêng, bản sắc của từng địa phương.
Được biết, Tỉnh đã đăng ký thực hiện 7 mô hình tham gia chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đó là xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương tại huyện Dương Minh Châu; xây dựng, phát triển du lịch sinh thái vườn gắn với cảnh quan thiên nhiên và đặc sản miền quê ở huyện Gò Dầu; du lịch sinh thái Khu Di tích lịch sử Đồng Rùm, huyện Tân Châu; Khu Du lịch sinh thái mãng cầu Bà Đen Tây Ninh, thành phố Tây Ninh; du lịch nghỉ dưỡng nông trang dọc sông Vàm Cỏ Đông” ở thị xã Hòa Thành; du lịch trải nghiệm nông trang ở thị xã Trảng Bàng; xây dựng, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và du lịch về nguồn Khu căn cứ cách mạng miền Nam - Trung ương Cục miền Nam, tại huyện Tân Biên.
Yến Hưng