Tiếp tục triển khai Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân giai đoạn 2023 - 2030; Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027..., năm 2023, tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp theo Kế hoạch số 3083/KH-UBND của UBND tỉnh.
Cụ thể: Xây dựng nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở là người dân tộc thiểu số. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp với địa bàn, nhóm đối tượng đặc thù, trẻ em, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và phù hợp với độ tuổi, nghề nghiệp.
Điển hình như UBND xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) đã xây dựng Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 18/5/2023 về việc tổ chức tuyên truyền pháp luật cho đối tượng đặc thù trên địa bàn xã năm 2023. Từ đó đến nay, công chức tư pháp - hộ tịch xã Thạnh Bình đã có nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cho đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại các buổi chia sẻ, các tuyên truyền viên đã triển khai các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như: Các dạng bạo lực gia đình, trách nhiệm của các cá nhân và thành viên gia đình, các hành vi bạo lực bị nghiêm cấm, các hình thức báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình….
Qua đó giúp đồng bào dân tộc hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật trong nhân dân.
Tỉnh Tây Ninh còn nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Trong đó, tỉnh xác định tập trung vào các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, tạo thói quen xử sự theo pháp luật; Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh đến các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của văn bản.
Đồng thời, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật theo lĩnh vực hoạt động chuyên ngành và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đến hoạt động cho cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết hợp các phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với các phương thức hiện đại.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cũng đã triển khai thực hiện phổ biến pháp luật qua ứng dụng mạng xã hội Facebook, Youtube và các trang thông tin điện tử; thực hiện phổ biến pháp luật qua các hội nghị trực tuyến, xây dựng phần mềm trên điện thoại, tin nhắn qua mạng di dộng… phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Nhiều cuộc thi, diễn đàn trực tuyến về tìm hiểu pháp luật thu hút sự quan tâm của nhân dân, như Diễn đàn trực tuyến “Tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống tội phạm” năm 2023 do TP Tây Ninh tổ chức ngày 9/11/2023. Chương trình được phát trực tiếp trên fanpage Thành đoàn và facebook Phòng Tư pháp thành phố.
Tại diễn đàn, đoàn viên, thanh niên, cán bộ công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn thành phố được nghe bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó trưởng Phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống tội phạm.
Chương trình thu hút 659 lượt người xem, 659 lượt người tiếp cận và 724 lượt tương tác, đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành đúng pháp luật của đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn thành phố.
Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đảm bảo kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tỉnh cũng tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.
Định kỳ hằng năm có ít nhất 95% báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, công chức làm công tác pháp chế các sở, ban, ngành được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật lĩnh vực chuyên ngành; 95% tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới ban hành; quan tâm bồi dưỡng, công nhận báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở là người dân tộc thiểu số.
Phát huy năng lực giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc hỗ trợ người dân nâng cao năng lực tiếp cận xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội để khuyến khích người dân tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật.