Chỉ số Tiếp cận đất đai là 1/10 chỉ số thành phần quan trọng của PCI. Theo kết quả PCI 2022, Chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh Tây Ninh đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm những tỉnh gần cuối bảng, đặc biệt là có đến 11/14 chỉ tiêu cơ sở giảm thứ hạng so với năm 2021.

Qua kết quả phân tích cụ thể, nêu rõ 09 chỉ tiêu còn hạn chế so với năm 2021 như: Tỷ lệ DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai; tỷ lệ DN có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng không có do TTHC rườm rà/lo ngại cán bộ nhũng nhiễu; sự thay đổi bảng giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường; tỷ lệ DN tin rằng sẽ được bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất; DN đánh giá rủi ro bị thu hồi đất; các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian; cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết TTHC không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; DN tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh.

minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, có 01 chỉ tiêu cơ sở giữ nguyên về điểm số nhưng giảm thứ hạng là thông tin, dữ liệu về đất đai không được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng; 02 chỉ tiêu cơ sở có cải thiện về điểm số nhưng giảm thứ hạng là số ngày chờ được cấp GCNQSDĐ và tỷ lệ DN thực hiện các TTHC về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục. 

Đặc biệt, có 02 chỉ tiêu cơ sở cải thiện về điểm số và đứng thứ nhất là tỷ lệ DN gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch và tỷ lệ DN gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm.

Xác định cải cách hành chính là hướng đi chiến lược để nâng chỉ số PCI, tỉnh Tây Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để quản lý, điều hành hệ thống công quyền. Trước mắt, tỉnh sẽ lựa chọn lĩnh vực đất đai để số hóa, giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin quy hoạch một cách nhanh chóng.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền tỉnh Tây Ninh tập trung thực hiện hiệu quả chương trình cải cách TTHC thông qua việc đẩy mạnh đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa TTHC, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch,...; chủ động rà soát, đánh giá các điểm nghẽn cũng như thực hiện các giải pháp tập trung vào cải thiện, tăng điểm ở các chỉ tiêu cơ sở; qua đó thúc đẩy nâng cao Chỉ số Tiếp cận đất đai.

Hiện nay, tổng số TTHC của ngành TN&MT được công bố, công khai tại Quyết định số 2882/QĐ-UBND gồm 127 thủ tục. Trong đó: có 82/127 thủ tục đã được cắt giảm từ 30% - 50% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Các TTHC được niêm yết tại trụ sở cơ quan, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh https://dichvucong.tayninh.gov.vn và Cổng thông tin điện tử của Sở http://sotnmt.tayninh.gov.vn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN có thể tra cứu, tìm hiểu.

Sở TN&MT cũng như VPĐKĐĐ đã tích cực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian trong tiếp nhận, trả hồ sơ đất đai, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, 100% VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; văn bản đến, đi của đơn vị được nhập liệu, xử lý trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, văn bản đi, đến của đơn vị đã được ký số, số hóa đảm bảo đúng quy định…

Trên cơ sở dữ liệu dùng chung về đăng ký đất đai với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký biến động và giao dịch bảo đảm góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Nhờ đó, tính đến 9 tháng đầu năm 2023 UBND tỉnh và Sở TN&MT đã ký cấp 255 GCN, tăng 51.79% so với cùng kỳ năm trước với tổng diện tích 218,18ha cho các tổ chức. Còn đối với công tác xử lý hồ sơ cấp GCN của cá nhân, hộ gia đình: tổng số GCN đã cấp lần đầu là 1.445 giấy, trong đó đất nông nghiệp là 1.105 giấy, diện tích 321,89 ha; đất phi nông nghiệp 340 giấy, diện tích 51,82 ha; kết quả thực hiện quyền của người sử dụng đất, toàn tỉnh đã cấp 75.767 GCN cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất…

Với những nỗ lực thông qua các hành động cụ thể, thiết thực, sát yêu cầu thực tế, Tỉnh Tây Ninh sẽ sớm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, cụ thể, sẽ tăng thứ hạng các chỉ tiêu trong chỉ số Tiếp cận đất đai.

Hoà Thành