Thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam trong giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh vừa có văn bản chỉ đạo triển khai 5 nhiệm vu trọng tâm về phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo Công văn số 171/UBND-KT về việc triện khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh trên địa bàn, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung cụ thể, trong đó đối với các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh có 6 nhiệm vụ cụ thể gồm: quy hoạch và phát triển đô thị thông minh; quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị; quản lý xây dựng và phát triển đô thị; dịch vụ tiện ích đô thị; kinh tế và đổi mới; người dân, cộng đồng.

tayninh.png
Một góc thành phố Tây Ninh.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và quán triệt các quan điểm chỉ đạo về phát triển đô thị thông minh tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thống nhất nhận thức xuyên suốt việc phát triển đô thị thông minh là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, coi đô thị thông minh như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin, các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể giải quyết riêng lẽ các vấn đề giao thông, giáo dục, y tế, môi trường… coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hoá các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, hướng dẫn cho các đối tượng sử dụng là cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc triển khai đô thị thông minh và vai trò của tất cả các cấp ngành trong triển khai đô thị thông minh.

Các nội dung triển khai xây dựng đô thị thông minh bền vững, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động nghiên cứu các nội dung triển khai phù hợp với thực tế và đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, xác định thứ tự ưu tiên hướng đến phục vụ dựa trên nhu cầu người dân. Người dân phải tham gia ngay từ đầu trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng đề án đô thị thông minh bền vững….

UBND thị xã Hoà Thành tập trung triển khai đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thị xã Hoà Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

UBND cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuỳ theo chức năng nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện.

PV