Con người thời hiện đại đã khôn hơn rất nhiều, đã lập ra biết bao tổ chức quốc tế để ứng phó với nhiều vấn đề quan trọng.
Nào là Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, rồi thì Tổ chức Y tế thế giới…, nhưng có vẻ như chưa đủ khi đại dịch lần này ập đến.
Nặng về khuyến cáo
Cơ chế bảo đảm an ninh, hòa bình thế giới của Hội đồng Bảo an LHQ không có tác dụng gì với đại dịch. Tiếng nói của Tổ chức Y tế thế giới cho dù quan trọng thì vẫn nặng về khuyến cáo, tư vấn để các quốc gia tự hành động.
Ngay như Liên minh châu Âu (EU) vốn là một tổ chức hoạt động khá hữu hiệu thì giờ đây cũng hết sức lúng túng trong tìm kiếm giải pháp chung khả dĩ cho tất cả các nước thành viên.
Một con ngõ được phong tỏa ở Sài Gòn. Ảnh: Thanh Tùng |
Cho nên, gần như là mỗi nước làm theo một kiểu trong phòng, chống đại dịch.
Trung Quốc một kiểu, kiểu đầu tiên chưa biết học ai và giờ đây là kiểu Ý, Tây Ban Nha, kiểu Đức, kiểu Anh, kiểu Hàn Quốc và trong vô vàn các kiểu đó có kiểu Việt Nam chúng ta.
Mỗi nước tùy theo tư duy, nhận thức và tiềm lực của mình mà hành động. Sự thống nhất, đoàn kết trong hành động chung tay chống dịch của các nước vào thời điểm hiện tại hầu như không thể có - đó là chưa kể đến đâu đó vẫn có những tính toán ích kỷ, cục bộ khuôn theo lợi ích quốc gia là trên hết.
Nói một cách công bằng và khách quan thì những kết quả và đóng góp của Trung Quốc (TQ) trong chống lại đại dịch này là quan trọng. Những kinh nghiệm phải trả bằng nhiều sinh mạng của dân thường và đội ngũ y bác sỹ TQ đang là sự tham khảo cho phần còn lại của thế giới. Nói đến TQ là nói đến trung tâm đại dịch Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Hãy hình dung quy mô chống dịch tại đây qua vài con số: Hồ Bắc là tỉnh có khoảng 60 triệu dân, xấp xỉ dân số nước Ý. Vũ Hán là thành phố có số dân 10 triệu hơn cả dân số của cả nước Áo. Vũ Hán với các biện pháp quyết liệt như phong tỏa, cách ly, đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay, lập bệnh viện dã chiến, huy động lực lượng từ bên ngoài đến hỗ trợ… đã thành công trong đẩy lùi dần dịch bệnh. Nhà nước TQ xét trên diện rộng và chính quyền Vũ Hán trên diện hẹp đã có những quyết sách đúng và kịp thời trong chống dịch.
Thậm chí khi cần thiết thay cả lãnh đạo giữa chừng. Biện pháp các nước như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Áo, Đức… đang cho triển khai chống dịch không có gì khác lắm các biện pháp TQ đã làm. Như thế mới thấy ý nghĩa của người đi tiên phong, mới thấy những phê phán, hoài nghi ban đầu từ bên ngoài nói các biện pháp của TQ là nóng vội, là áp đặt, thậm chí phi dân chủ là có phần vội vàng, không thỏa đáng. Bài học rút ra ở đây chính là tình hình đặc biệt phải có biện pháp đặc biệt.
Du khách đeo khẩu trang cùng xem thông tin trên chiếc điện thoại thông minh tại sân bay quốc tế Ministro Pistarini, Buenos Aires, Argentina |
Sự hỗ trợ lẫn nhau hầu như không có
Cũng chính vì như vậy mà khá nhiều quốc gia châu Âu chủ quan và do đó đã lãng phí khoảng thời gian vàng trong chống dịch.
Báo điện tử Bild ngày 11/3 đã nhận xét Thủ tướng Đức trong khủng hóa đại dịch không nói gì, không xuất hiện gì, cũng không chỉ đạo gì và ao ước giá như Đức có một vị như Thủ tướng Áo với những biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo triển khai chống dịch.
Thế mới biết sự hiện diện và tiếng nói của người đứng đầu Chính phủ vào thời điểm nhạy cảm như kiểu này quan trọng ra sao trong lòng dân chúng.
Cuộc khủng hoảng dịch cúm Covid-19 đang lay động nền tảng của EU. Không hề có một chiến lược chung, thống nhất trong cả EU. Nhiều nước đã tự đóng biên giới của mình khiến cho cái gọi là tự do đi lại trong nội khối bị phá vỡ. Sự hỗ trợ lẫn nhau hầu như không có. Tình hình có khác không khi mà giả sử rằng các nước tập trung nguồn lực cùng Ý, Tây Ban Nha chống và ngăn ngừa dịch ngay từ đầu? Cũng rất khó hình dung một kịch bản như vậy bởi ngay các chuyên gia y tế hàng đầu của các nước cũng còn có ý kiến khác nhau trong nhận diện và tìm kiếm biện pháp ngăn chặn lây lan loại virus này.
Và đến đây lại liên quan tới kiểu chống dịch của Anh quốc. Trong khi phần đông các nước nghiêm cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học, nhà hàng, quán ăn và thậm chí ban bố tình trạng khẩn cấp, gần như thiết quân luật như ở Pháp, thì người dân Anh do chính sách của Chính phủ vẫn “ phớt Ăng lê”, vẫn vô tư theo kiểu tụ tập đông người, vẫn đi nghe nhạc, vẫn chạy marathon.
Chẳng nhẽ riêng Anh theo kiểu tự nhiên, cứ để dịch bệnh lan truyền, cứ để “miễn dịch cộng đồng“ dần đến, rồi sau khi đạt đỉnh, dịch sẽ tự lùi là chuẩn? Có vẻ như Anh đã nhận thức được vấn đề và đang có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp và hiệu quả hơn trong chống dịch.
Bà Julia Shape dương tính với Covid-19 vẫy tay với con gái qua cửa kính tại trung tâm chăm sóc ở Kirkland, Mỹ |
Hàn Quốc cũng là nước chống dịch hiệu quả theo đánh giá của các nước.
Trung Quốc phong tỏa cả một tỉnh 60 triệu dân thì Hàn Quốc lại không làm như vậy. Thay cho phong tỏa thì xét nghiệm trên diện rộng được coi là giải pháp hữu hiệu giúp Hàn Quốc có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tương đối thấp so với các nước cùng có dịch.
Đương nhiên để làm được như vậy phải có sẵn trang thiết bị và nhân lực chuyên môn phù hợp. Khó có nước nào có thể tiến hành xét nghiệm virus corona với nhịp độ 10.000 trường hợp/ngày như Hàn Quốc mà nhờ đó có thể phát hiện sớm để tấn công vào các ổ dịch mới.
Chống dịch ở ta - kết quả ấn tượng
Và cuối cùng không thể không kể đến kiểu chống dịch của ta, bao gồm hàng loạt các biện pháp như thông tin, tuyên truyền, xét nghiệm, cách ly, điều trị … với sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị.
Đã mấy tháng qua đi cùng đại dịch mà ta vẫn chỉ là mấy chục ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào. Quả thực là một kết quả ấn tượng. Chỉ bằng câu chuyện gia đình nọ thuê máy bay đưa người nhà từ Anh về Việt Nam để phòng và chữa Covid-19 đã đủ nói lên nhiều điều, mà quan trọng nhất chính là niềm tin vào hệ thống y tế nước nhà.
Chính vì vậy, khá nhiều người Việt đã tìm cách từ nước ngoài trở về Viêt Nam trong tâm niệm nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì khả năng được điều trị và chăm sóc, chữa trị hết bệnh tại quê nhà là rất lớn.
Niềm tin vào đất nước không tự nhiên mà có. Có tuyên truyền đến mấy cũng không thể có được niềm tin này, trừ phi bản thân người dân tự trải nghiệm và rút ra sự đánh giá của riêng mình.
Có được kết quả như vậy là nhờ quyết tâm và trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh từ Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ với những quyết sách đúng và kịp thời, là nhờ những ưu việt của hệ thống y tế công lập nước nhà với đội ngũ nhân viên y tế có năng lực, trách nhiệm cao và cuối cùng phải kể đến sự chung tay, đồng lòng của tất cả mọi người trong cơn hoạn nạn này.
Đối diện sống chết, trong đại nạn hãy 'người' hơn
Covid-19 đang làm cho con người thay đổi đến chóng mặt. Trong đại dịch, cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu cứ đan xen, nhưng tình người, cái thiện vẫn trội lên trên hết.