Tem chống hàng giả với mục đích bảo vệ thương hiệu và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp nhưng hiện nay nhiều người tiêu dùng hoang mang vì chỉ bằng mắt thường khó có thể phân biệt được đâu là sản phẩm dán tem chống hàng giả thật, đâu là hàng giả được dán tem chống hàng giả.

Dễ như mua... rau

Theo quan sát tại các cửa hàng bán đồ mỹ phẩm, tất cả các mặt hàng đều được dán tem chống hàng giả với kích cỡ, kiểu dáng khác nhau và bằng mắt thường khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Không riêng gì mỹ phẩm mà hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều chung tình trạng này. Trong khi đó, việc mua tem chống hàng giả lại được ví dễ dàng như mua… rau, khi chỉ với vài cú click chuột “in tem chống hàng giả” sẽ xuất hiện hàng loạt các công ty quảng cáo in tem chống giả chất lượng cao. Theo quảng cáo, tất cả các mẫu tem từ tem giấy, tem vỡ, tem không vỡ, tem chống giả 7 màu in sẵn chất lượng cao, không có logo công ty… đều có thể in. Thậm chí ngay cả tem chống hàng giả của Bộ Công an cũng in được.

Tuy nhiên, theo thông tin của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, từ ngày 1.2.2017, Viện đã chính thức dừng nghiên cứu và ký hợp đồng cung cấp tem chống hàng giả cho các doanh nghiệp. Nói cách khác, kể từ 1.2.2017, trên thị trường sẽ không tồn tại sản phẩm tem mang tên “tem chống hàng giả Bộ Công an” mà tem chỉ được cung cấp bởi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp in tem chống hàng giả được cấp phép theo quy định. Nhưng trên thực tế, chỉ cần lên mạng tra cụm từ tem chống hàng giả của Bộ Công an sẽ có rất nhiều kết quả dẫn đến các địa chỉ trang web giới thiệu về dịch vụ làm loại tem này.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đối với người tiêu dùng, tem chống hàng giả do Viện Khoa học hình sự phát hành luôn có uy tín và bảo đảm hơn. Nắm được điểm này, nên dù đã dừng cung cấp trên thị trường, nhưng các doanh nghiệp vẫn núp bóng loại tem này để đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Chưa kể, có một số công ty in tắt “B.C.A” mục đích nhập nhòe chữ “Bộ Công an” để lách luật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chính sự nhầm lẫn này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng giả được dán tem chống giả có thêm đất sống.

Khó khăn trong xử lý

Theo Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh Nguyễn Thế Truyền, hiện nay để phân biệt được tem chống hàng giả là thật hay giả là điều không dễ dàng. Trong khi đó, các công ty in tem chống hàng giả trái phép ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng một đơn vị làm hàng giả sẽ giả luôn cả tem chống giả. “Hàng thật có tem chống giả, hàng giả cũng có tem chống giả, như vậy chẳng khác nào đánh đố người tiêu dùng, không biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi, mà ngay các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng đang bị ảnh hưởng lớn” - ông Truyền nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay cả nước có hơn 10.000 cơ sở in ấn, nhưng công tác hậu kiểm còn rất nhiều bất cập dù đã phân cấp cho các địa phương quản lý. Chưa kể, việc xử lý sản phẩm dán tem chống hàng giả cũng là một thử thách không nhỏ với cơ quan chức năng. Bởi, hiện có rất nhiều đơn vị được chấp thuận cho in tem chống hàng giả để bảo hộ hàng hoá, phân biệt với hàng nhái, hàng nhập lậu, nhưng lại không có quy định mẫu tem cho các sản phẩm. Điều này vô hình trung trở thành kẽ hở khiến việc in tem chống hàng giả trở nên dễ dàng, thậm chí đã có nhiều công ty trung gian được thành lập để môi giới mua - bán tem chống hàng giả.

Cũng theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, việc có nhiều đơn vị được phép in tem chống hàng giả trong khi việc quản lý in ấn chưa được chặt chẽ, đặc biệt, số lượng tem được in ra bao nhiêu, sử dụng bao nhiêu không có cơ quan nào thống kê, tổng hợp. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp đặt mua được tem thông qua các công ty trung gian nên việc doanh nghiệp mua để dán vào sản phẩm nào cũng không thể quản lý được.

Hiện nay, để bảo vệ sản phẩm của mình, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng từ tem chống hàng giả sang việc kiểm tra mã như mã vạch, mã QR, hoặc mới nhất là công nghệ gắn chíp nhận diện trong mỗi sản phẩm. Theo đó hàng hóa sẽ được gắn mã riêng và sẽ được xác minh tại mỗi điểm trong chuỗi cung ứng. Đây là giải pháp giúp người tiêu dùng có thể kiểm tra được đầy đủ nguồn gốc xuất xứ và thông tin của sản phẩm vừa mua.

Tuy nhiên, không phải hàng hóa hay cơ sở kinh doanh nào cũng có thể triển khai được các phương án này. Do đó, việc quản lý tem mác, in ấn chưa chặt chẽ vẫn là một trong những nguyên nhân tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu được hợp thức để đưa ra thị trường và việc xử lý các công ty, đơn vị in trái phép các loại tem nhãn chống hàng giả vẫn luôn là một thử thách không nhỏ đối với cơ quan chức năng.

 

Theo daibieunhandan