Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần, cũng là dịp chúng ta hay đi chùa, lễ Phật, rồi vãn cảnh chùa. Chứ không nên nói: “Đi lễ chùa”, vãn cảnh chùa trước, lễ Phật sau. Và cảnh chùa có đẹp đến mấy, có hoành tráng, khuôn viên mênh mông đến mấy, cũng không bằng những nơi nào có cảnh đẹp hoang sơ do tự nhiên ban tặng con người. 

Thế nên, những người thông tuệ “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” mỗi năm chỉ đi chùa nhiều nhất - một lần. Và chủ yếu đi chùa nào gần nhà mình, cổ và lâu đời nhất vì chùa nào chả thờ Phật.

Đặc biệt, chùa nào không bị thương mại hoá thì càng quý. Bởi nếu chúng ta vào chùa bị thương mại hoá, nguỵ trang lợi dụng bằng nhiều hình thức, sẽ đồng nghĩa với việc khuếch trương mua bán tâm linh. Ngoài ra, chùa nào có dấu chân “ông nọ, bà kia” đã vào lễ cũng không phải chuyện gì to tát.

Còn mục đích vào chùa để tham dự khoá tu tập hay nghe Pháp thoại thì trong xã hội hiện đại, chỉ cần mở YouTube đã có những bài giảng của các nhà sư nổi tiếng: Thích Tâm Nguyên, Ni Sư Hương Nhũ, Thích Pháp Hoà…   

Trở lại chuyện chùa nào không bị thương mại hoá, tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, được một người bạn chia sẻ về chùa Đông Dư Thượng, ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội không bị thương mại hoá tâm linh. Đặc biệt chùa có Ni Sư Đàm Phú trụ trì là một chân tu chân chất khiến tôi suy nghĩ tích cực, có dịp sẽ về lễ Phật, vãn cảnh chùa.

dsc 2171 1599.jpeg
Ni Sư Đàm Phú.

Vừa rồi tôi về lễ Phật, Ni Sư Đàm Phú cho biết, chùa Đông Dư Thượng được UBND thành phố Hà Nội cấp Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố từ năm 2007. Ngôi chùa mới được UBND xã Đông Dư quan tâm, chỉ đạo xây dựng trùng tu hạng mục Nhà thờ Phật bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân.

Với khuôn viên diện tích đất chùa rộng khoảng 4000m2, trong đó có một phần ruộng vườn cho Ni Sư Đàm Phú tăng gia trồng trọt và phát lộc rau, quả cho các vãi tại thôn Đông Dư Thượng cùng Phật tử thập phương.

Tôi cho rằng, chùa Đông Dư Thượng là một điển hình cả về cơ sở vật chất ngôi chùa không “hoành tráng” phô trương hình thức; cả về đức, hạnh của Ni Sư Đàm Phú trụ trì đúng với Đạo Phật góp một phần nâng cao văn minh, văn hoá tâm linh truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đi lễ chùa đầu năm mới là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Người ta đến chùa để hướng về cõi Phật, cầu cho một năm mới bình an, may mắn, giúp họ vượt qua những khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Tuy nhiên, phong tục tốt đẹp này đang bị biến tướng ở một số nơi như xảy ra tình trạng buôn thần bán thánh, đốt vàng mã tràn lan, ứng xử thiếu văn minh nơi cửa Phật… VietNamNet mở diễn đàn về việc đi lễ chùa đầu năm mới thế nào cho đúng với tinh thần Phật giáo, phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt. Các bài viết xin gửi về email: banvanhoa@vietnamnet.vn