Theo truyền thống, ngay từ sáng sớm, vào ngày này người ta thường ăn rượu nếp và một số loại hoa quả như mận, đào, vải, dưa hấu. Có nơi, người dân ăn trứng luộc, bánh đa kê, bánh gio... để giết sâu bọ. Hiện nay, Tết Đoan ngọ vẫn được duy trì ở nhiều nơi. Mỗi địa phương lại có những sắc thái riêng gắn với những câu chuyện thú vị.
Ông Phùng Đình Quang (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết: "Trước kia ở quê tôi, Tết Đoan ngọ thường dành cho trẻ em. Từ tối mồng 4, người lớn trong nhà đi lấy lá móng đắp vào móng tay, móng chân cho trẻ. Đến hôm sau, tháo lá móng ra sẽ có màu đỏ rất đẹp. Sáng mồng 5, khi chưa chạm chân xuống đất, trẻ em được cho ăn các loại quả có vị chua để giết sâu bọ. Sau khi ăn hoa quả, ông bà, bố mẹ đưa trẻ ra vườn, mỗi trẻ chọn 1 cây và nói “tao bán hết ốm đau, bệnh tật cho mày”. Chúng tôi làm vậy với mong muốn đứa trẻ được khỏe mạnh suốt cả năm".
Ông Vũ Xuân Chiến (Thọ Tiến, Triệu Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ: "Ở quê tôi, vào Tết Đoan ngọ, buổi sáng sớm các gia đình thường cúng ông bà tổ tiên bánh đa, lạc luộc và một số loại hoa quả như vải, mận. Theo quan niệm, mọi người kiêng ngồi ở bậc cửa để tránh mụn nhọt, rôm sẩy. Vào chính ngọ (12 giờ trưa), một số gia đình đi hái các loại lá (lá bươm bớm, lá ngải cứu...) về phơi khô uống cả năm để giải nhiệt và chữa bệnh”.
Theo thời gian, dù cuộc sống hiện đại và du nhập nhiều ngày lễ mới của phương Tây nhưng ngày Tết Đoan ngọ vẫn được người Việt duy trì, dâng lên tổ tiên những thức quà ngon của mùa hè.
Mai Hương
Ảnh: Huyền Sâm