Mới chiều qua hăm chín, ba mươi, phố thị còn xôn xao, vội vã, có chỗ đông đúc, chật chội, chen lấn bán mua. Mùi của phố, không khí phố, người phố, nhà phố trong những ngày áp Tết, cứ hối hả giục giã, gọi tên những ai còn đang bận bịu công việc mà chưa sắm đủ cho gia đình một cái Tết ấm, no, to, đẹp. Nơi góc phố hay đầu chợ nào đó, người Hà Nội đang xúm xít luộc bánh chưng, đóng xôi gấc, luộc gà, nấu canh măng... 

Những mùi vị thảo thơm, thân thuộc của món ăn truyền thống, mới thoáng qua mũi thôi là nhận thấy, cảm thấy, lòng bất giác dào lên cảm giác nhung nhớ, khát thèm. Giữa phố đông người mà tự nhiên, ánh mắt ta cứ thế dõi theo mùi hương. Thấy đúng nơi vỉa hè kia, mấy người đang chụm đầu vớt bánh. Đầu chợ Hàng Bè, mấy nồi trắm kho thơm lựng, gió đùa cuộn khói lơ mơ; chả cua vừa mới chiên, nóng bỏng mỡ màng. Nơi cửa chợ Đồng Xuân, hàng hóa tràn ra cả lòng đường, chẳng ai ngăn cấm. Lẫn trong hoa trái, đồ trưng bày, đồ dùng, là xôi gấc, chè kho, bánh chưng, món nào cũng thơm ngon mời gọi. 

tet ha noi.png

Chen giữa đào hoa tươi nụ, quất chín lúc lỉu trái vàng trên phố Hàng Lược, Hàng Cót, chút nắng chiều còn rơi rớt khiến người người đi lại rộn ràng, tay xách nách mang, chẳng còn thấy đâu là rét. Khăn áo bỗng như thừa ra, muốn rơi, muốn cất. Cái hối hả mua sắm ngày cuối năm, giữa muôn vàn hương sắc tíu tít gọi mời, khiến năng lượng trong người tràn ra ấm hồng đôi má. Ai đó như cũng thấy mình mới hơn, khỏe hơn, tươi hơn, dẫu vẫn là con người ấy, của ngày hôm qua, hôm kia, chạy nước rút cho xong công việc để kịp ăn Tết, có khi còn đuối mệt…

Chỉ qua vài giờ nữa, là thực sự bước sang Năm Mới. Băm sáu phố phường sầm uất và náo nhiệt ban chiều, giờ sắp đếm ngược đón Giao thừa, bỗng rộng dài ắng lặng. Cái náo nhiệt xô bồ của phố thị thoắt chìm tan, khuất vắng sau khi mọi nhà đã yên tâm với đủ đầy thực phẩm, bánh trái, hoa quả, giờ thì có thể khép hờ cánh cửa mà quây quần đầm ấm bên mâm cỗ tất niên. Nét cổ kính êm đềm của một kinh thành ngàn năm tuổi hàng ngày bị cuộc sống hiện sinh lấn lướt, phải lùi sâu vào tâm thức của những con người hàng ngày sống trong lòng nó, bỗng khẽ khàng cựa mình hiển lộ. Người Hà Nội trong không khí Tết, cũng như thấy lại con người lịch thiệp, chậm rãi, nghĩ suy, giàu hồi tưởng của mình...

Ngoài phố, từng khoảng lặng cứ dần dần được nới rộng ra trong lòng một Hà Nội chầm chậm trôi dần vào Tết. Những khung cửa dù chật hẹp hay rộng lớn, cũ kỹ hay hiện đại, sáng láng, đều làm cùng một việc chẳng vô tình hay hữu ý mà đương nhiên, là giấu vào bên trong nó những gì có thể tạo nên cái ồn ào, náo nhiệt của đô thị ngày thường.

Và chỉ mấy giờ nữa trôi qua, màn đêm xuôi dần về sáng, Hà Nội đằm mình trong những giờ phút êm đềm, bình yên hiếm thấy của một sớm đầu năm mới tinh khôi và thiêng liêng. 

tet ha noi 2.png

Phố vắng như rộng mở hơn, nếu có chút mưa xuân, thì bụi mưa cũng trở nên trong sạch, nhẹ nhõm hơn khi mà phố xá giảm hẳn bụi bặm, xăng khói vương vất ngày thường. Nắng gió đầy vơi tự do vỗ cánh, không vướng víu, chật chội bởi người, xe chở theo trăm thứ kềnh càng. Mùi phố đó đây tự nhiên nồng nàn, tha thiết. Cho dù, mấy thức hoa truyền thống ngày Tết như đào, lay ơn, thược dược, violet thường chỉ có sắc mà thiếu hương thơm. Nhiều nhà chơi hoa ly để vừa khoe hương lại có sắc, nhưng cũng có người cẩn thận quá, bảo ly là ly biệt, không trưng ngày Tết, dễ xúi, cũng không dùng làm hoa lễ, kẻo bất hiếu với cụ kỵ ông bà (?!). 

Mùi phố sáng mùng Một Tết, nao nao trầm hương, nồng nàn khói pháo, lan xa từ một căn gác, một ngôi nhà mặt phố nào đó đang mở cửa nghênh xuân. Tiếng pháo giấy đột ngột nổ giòn, thơm lẫn tiếng cười trẻ nhỏ. Mùi phố cũng có khi quyện hòa thảo thơm từ một mâm cỗ Tết. Sáng mùng Một, hầu như nhà ai cũng có mâm cỗ truyền thống dâng cúng ông bà tổ tiên. Mùi bánh chưng, giò xào, mùi canh măng, giò lụa, mùi nem mới rán nóng bỏng, mùi đĩa xôi còn ấm khói lan man. Mâm cỗ Tết Hà Nội truyền thống nhiều món ngon nhưng không thể thiếu xôi gấc đỏ, bánh chưng, giò lụa. 

Trong lâm thâm mưa phùn vẫy gọi tiết xuân, trời còn chút giá lạnh, mùi cỗ Tết quyện trong khói trầm ấm áp, nôn nao. Tết Hà Nội đương nhiên có hoa đào Nhật Tân truyền thống của xứ Bắc, nhưng cũng có cả sắc mai vàng rực rỡ gửi về từ phương Nam ấm áp xa xôi. Quất vàng lúc lửu tượng trưng cho cuộc sống sum vầy, no ấm. Màu sơn mới trong những căn nhà mới, màu hoa tươi, màu khăn áo mới, sáng lên tiếng nói giọng cười. Người lớn chúc tụng hân hoan, trẻ con reo vui được phong bao màu đỏ.

Thế là Tết đến. Một chữ Tết, và hai chữ Năm Mới, cứ mỗi năm được nhắc lại một lần, mà vẫn cứ tươi mới, tinh khôi và thiêng liêng.  

Trang Thanh

(Nhà thơ)

Minh họa: Phạm Hà Hải