- Theo GS Lương Ngọc Huỳnh, Tết Hàn thực ở Việt Nam gắn liền với điển tích về Hai Bà Trưng và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Ý nghĩa Tết Hàn thực ở Việt Nam
Theo GS Lương Ngọc Huỳnh, Tết Hàn thực ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm là một nghi lễ tốt đẹp trong đạo nghĩa của người Việt.
GS Lương Ngọc Huỳnh trong một nghi lễ (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Ông nói: “Nhắc đến Tết Hàn thực, nhiều người Việt thường nhớ đến câu chuyện về Giới Tử Thôi theo điển tích cổ của Trung Quốc.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng Tết Hàn thực ở Việt Nam thực tế lại gắn với sự tích về Hai Bà Trưng.
Theo lời GS Lương Ngọc Huỳnh, Hai Bà Trưng sau khi không chống nổi Mã Viện, biết rằng tình thế nguy cấp nên đã rút quân đến địa danh Mê Linh. Tại đây, hai Bà được nhân dân dâng bữa bằng món bánh trôi. Trước tình thế quân giặc áp đảo, hai Bà quyết không để rơi vào tay giặc nên đã gieo mình xuống dòng sông Hát ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch.
Bên cạnh đó, Tết Hàn thực còn trùng với dịp Thanh Minh - thời điểm dân gian thể hiện hiếu đạo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Những điển tích xưa chỉ là một ví dụ để chúng ta nhìn nhận về phong tục tập quán và qua đó để thấy những quan niệm về đạo nghĩa, hay đạo hiếu của người phương đông.
Ngoài ra, GS Huỳnh cũng nêu quan điểm, “nghĩa đạo” ở đây còn được thể hiện với những vị anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong suốt chiều dài chống ngoại xâm của dân tộc.
Ông lý giải: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã đổ bao xương máu để dành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Biết bao người đã ngã xuống mà trong bụng không có được một hạt cơm miếng sắn, biết bao người đã hy sinh trong dãy núi Trường Sơn mà trong bụng chỉ có vài miếng lương khô! Biết bao chiến sỹ đã ngã xuống mà không được bát cơm nóng, một ly trà ấm...!
Cho nên ngoài những tích xưa điển cũ, ngay trong đời sống hiện thời, chúng ta cũng phải vô cùng biết ơn họ, những chiến sỹ đã hy sinh vì chúng ta. Hãy thắp cho họ một nén nhang, một bát cơm nóng, một ấm trà nóng, một ly rượu ấm để linh hồn của họ được sưởi ấm tình người.
GS Huỳnh nhấn mạnh: "Giá trị của tết Hàn thực, tiết Thanh Minh là nhắc nhở những người đang sống, hãy nhìn lại mình, soi lại lương tâm của mình, để mỗi người tự hoàn thiện mình hơn, thể hiện đạo nghĩa với những người đã khuất!".
Nghi lễ cúng Tết Hàn thực
Chia sẻ về nghi lễ cúng Tết Hàn thực, GS Lương Ngọc Huỳnh cho biết, mỗi gia đình có thể làm hai mâm cơm, một mâm để thờ cúng gia tiên, một mâm để thờ cúng tưởng nhớ đến những vị anh hùng dân tộc, những chiến sỹ đã hy sinh vì tổ quốc.
*Mâm thờ gia tiên:
Mâm thờ gia tiên nên có đủ đồ chay đồ mặn, hương hoa, rượu trà đầy đủ. Nội dung khấn, thể hiện được tấm lòng thành kính hiếu nghĩa, biết ơn hồng phúc gia tiên. Mâm lễ đặt ngay dưới ban thờ.
*Văn khấn gia tiên:
Kính lạy cụ tổ, kính lạy gia tiên tiền tổ nội ngoại, hôm nay là ngày mùng ba tháng ba âm lịch (ngày Canh Thìn, Tháng Bính Thìn, năm Mậu Tuất), giờ cát tường chúng con là hậu duệ con cháu của họ...( Nguyễn, Trần, Lê...) với tấm lòng thành kính hiếu nghĩa xin sửa soạn lễ vật nhang đăng cung thỉnh kính mời cụ tổ cùng gia tiên tiền tổ nội ngoại hạ đàn chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng con.
Nhờ hồng ân của gia tiên tiền tổ mà chúng con được làm người được có cuộc sống như ngày hôm nay. Cầu mong gia tiên phù hộ độ trì cho con cháu luôn được mạnh khoẻ, đạo đức, trí tuệ, sáng tạo, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Chúng con xin đa tạ hồng đức của cụ tổ, xin đa tạ hồng đức của gia tiên tiền tổ nội ngoại. Lòng thành cung kính con xin tấu sớ ( cúng xong thì bái lạy gia tiên ).
*Mâm thờ các vị anh hùng và các liệt sỹ:
Mâm thờ này có thể để ngoài trời, ngoài sân, ngoài ban công... GS Huỳnh gợi ý, nên có một chiếc bàn trải miếng vải đỏ lên trên mặt bàn trước khi bày lễ vật.
Lễ vật thì tuỳ theo điều kiện từng gia đình, nếu có điều kiện thì làm lớn, nếu không có điều kiện thì hương hoa trà nến gọi là tấm lòng của mình với các vị. Mâm lễ được đặt ở hướng đông.
*Văn khấn các anh hùng, liệt sĩ:
Kính lạy các vị Đế Vương Việt Nam, kính lạy các vị anh hùng dân tộc, kính lạy các liệt sỹ đã hy sinh trong công cuộc dựng nước và bảo vệ đất nước. Hôm nay là ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch (ngày Canh Thìn, tháng Bính Thìn, năm Mậu Tuất) giờ cát tường. Con là...đọc tên tuổi, địa chỉ…..
Để tưởng nhớ đến công ơn to lớn của các vị Đế Vương, các vị anh hùng dân tộc, cùng các liệt sỹ đã anh hùng hy sinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại, nay với tấm lòng thành kính tưởng nhớ đến công ơn to lớn ấy, con xin sắm sửa lễ vật cùng sơn hào hải vị nhang đăng thỉnh cầu kính mời chư vị sa giá hạ đàn chứng lễ.
Kính thưa chư vị! Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam có được cuộc sống ấm no hạnh phúc, độc lập tự chủ như ngày hôm nay là nhờ vào hồng ân của các vị Tiên Đế, nhờ vào công lao to lớn của các vị anh hùng, các chiến sỹ đã hy sinh thân mạng mình để bảo vệ tổ quốc, hồng ân ấy, công lao ấy, chúng con xin khắc cốt ghi tâm, ân huệ ấy không gì sánh nổi.
Nay là ngày Tết Hàn thực, ngày để tưởng nhớ đến công đức của chư vị cùng gia tiên tổ nghiệp, ngày để chúng con thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa, nay con lấy tâm đức của mình cung thỉnh đến chư vị kính mời chư vị hạ đàn an toạ và chứng lễ cho tấm lòng thành kính của con.
Chúng con xin hứa sẽ làm hết sức mình phụng sự nhân dân, phụng sự tổ quốc, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư... phụng sự giang sơn xã tắc, tuyệt đối không tham ô tham nhũng, không tranh quyền đoạt chức, không vụ lợi riêng mình, không lợi ích nhóm, tất cả vì nhân dân Việt Nam, vì một tổ quốc hùng cường và thịnh vượng.
Con cầu xin chư vị Đế Vương, các vị anh hùng dân tộc, các liệt sỹ phù hộ độ trì cho nhân dân ta, đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn to đẹp hơn, xứng đáng là hậu duệ của con Rồng cháu Tiên.
Con xin kính tâm cẩn cáo, cẩn cáo, cẩn cẩn cáo.
(Chúng con xin đa tạ) ba lần!"
"Bên cạnh nghi lễ, một trong những điều quan trọng nhất thể hiện đạo hiếu, đạo nghĩa với tổ tiên, với những người có công với đất nước, là thái độ, hành động của chính chúng ta”- GS Huỳnh nhấn mạnh.
Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực trong nhà đại gia phố cổ xưa
Trong gia đình thương nhân giàu có ở phố cổ đầu thế kỷ 20, mâm cỗ Tết Hàn thực 3/3 rất được chuẩn bị rất cầu kỳ, chu đáo...
Ý nghĩa việc cúng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực
Tết Hàn thực 3/3 hàng năm, các gia đình người Việt đều chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay thành kính dâng lên ban thờ tổ tiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ý nghĩa của việc cúng bánh trôi, bánh chay.
Nhật Linh - Thanh Hải