- Tết xưa và Tết nay dù có nhiều thay đổi nhưng giá trị về gia đình, tình yêu thương và sự gắn kết sẽ luôn đọng lại trong trái tim mỗi người…

Mỗi độ tiết xuân về, lác đác đâu đó vài cơn mưa phùn trên phố chiều cuối năm, mùi âm ẩm, lành lạnh xộc vào mũi khiến tôi nhớ tới vị Tết của ngày mà tôi còn thơ bé…

Cuộc sống hiện đại, Tết giờ khác nhiều rồi, vẫn “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” nhưng nhàn nhạt, như thiếu hẳn đi thứ gì đó làm nên hương Tết.

{keywords}
Hoa đào trong gió xuân. Ảnh: Phạm Tân

Có lẽ bởi khi vật chất đủ đầy, quanh năm ngày tháng chẳng thiếu thốn chi nên ngày Tết thiếu đi sự háo hức.

Xưa chuẩn bị cho Tết, phải tích cóp, dành dụm cả năm trời. Bắt đầu 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo là mẹ tôi đã lo bày biện, dọn dẹp ban thờ, mua sắm vật dụng, thực phẩm.

Những ngày giáp Tết, ba tôi dẫn mấy đứa con lít nhít, miệng như tép nhảy đi chợ mua chậu quất, vài chục hoa dơn đỏ rực về cắm lục bình.

Nay muốn mua gì, thích gì chỉ cần đi một giờ là đủ, có khi gọi cuộc điện thoại, hàng sẽ giao đến tận nhà.

Tôi nhớ chiều 30 Tết, mẹ tắm cho tôi bằng nước mùi, thứ lá cây khi đun sôi hương thơm tỏa ra khắp ngóc ngách, từ trên nhà, dưới bếp, xua tan đi những mệt mỏi, muộn phiền cùng không khí ảm đạm.

Bà bảo như vậy mới tẩy sạch hết bụi bặm của một năm, mặc cho tôi bộ quần áo còn cứng nếp hồ. Chao ôi! tôi nhớ lại sao mà thích thú.

Đêm giao thừa, khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ, chị em tôi xúng xính đứng xếp hàng, xem ba mẹ soạn mâm cỗ cúng gia tiên, đất trời, lầm rầm khấn vái. Nén nhang thơm của thời khắc giao mùa quyện vào không gian, văng vẳng đâu đó tiếng reo từ niềm vui, hạnh phúc và lời chúc tụng nhau một năm mới bình an.

Sáng mùng 1, ba mẹ gọi ra phát vốn, dặn dò phải cẩn thận, không gây đổ vỡ đồ vật vào ngày đầu năm kẻo mang vận rủi vào nhà, rằng kị quét tước nhà cửa tránh quét mất tài lộc...

Bà đưa chị em tôi đi chùa. Trong kí ức non nớt của tôi ngày ấy, cũng chẳng hiểu hết được ý nghĩa thiêng liêng của việc sớm đầu năm lên chùa nhưng cũng ra chiều thành kính, nghiêm túc lắm.

{keywords}
Tết là đoàn viên. Ảnh: Minh Tuấn

Thích nhất là được xúng xính quần áo mới, theo mẹ lên phố, ngắm con đường rợp hoa đào bung nở...

Ngắm hàng tò hè bằng bột nếp nhuộm phẩm màu, thơm dẻo đủ hình thù, từ nụ hoa hồng thắm đến hình Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…, đếm xem mình được bao nhiêu tiền mừng tuổi với lũ bạn thò lò mũi xanh…

Cái quãng đời thơ ấu đầy những ngọt ngào mang hương tết cổ xưa của tôi đi đâu mất rồi...

Ba mẹ tôi giờ tuổi đã cao, mái đầu bạc theo vết ố thời gian, các con đều trưởng thành, dâu rể, cháu chắt đùm đề.

Nhưng mỗi dịp Tết đến, bà vẫn lụi cụi sửa soạn lại ban thờ gia tiên, bày mâm ngũ quả mời các cụ về ăn Tết, nhắc nhở con cháu quay về quây quần, sum họp bên bữa cơm tất niên.

Tôi chợt nhận ra một điều, Tết xưa hay Tết nay, có thay đổi ra sao chăng nữa nhưng giá trị về gia đình, tình yêu thương và sự gắn kết sẽ luôn đọng lại trong trái tim mỗi người…

Túp lều hạnh phúc nơi bùn lầy dưới chân, muỗi vo ve trên đầu

Túp lều hạnh phúc nơi bùn lầy dưới chân, muỗi vo ve trên đầu

Chúng tôi đến thăm vợ chồng ông vào một buổi chiều cuối năm. Sau cơn mưa trái mùa, con đường đến nơi ông ở vô cùng lầy lội. 

Sếp lớn ở công ty tiếc bố mẹ vợ chiếc ti vi biếu Tết

Sếp lớn ở công ty tiếc bố mẹ vợ chiếc ti vi biếu Tết

Gần Tết, hai vợ chồng về nhà mẹ đẻ tôi chúc Tết, thấy bố mẹ tôi khoe vừa sắm cái tivi, chồng tôi mặt hằm hằm…

'Cuộc đua ngầm' của các nàng dâu quanh mâm cỗ Tết

'Cuộc đua ngầm' của các nàng dâu quanh mâm cỗ Tết

Nhà có nhiều nàng dâu, mà nàng nào cũng có tính ganh đua, thích trổ tài nghệ thì đôi khi cũng thật là... đau đầu.

Diệu Bình