Vợ chồng chị Nguyễn Hải Anh, 33 tuổi có một con nhỏ 5 tuổi và sống tại nhà riêng ở Hà Trì 1, phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội. Chị Hải Anh là đầu bếp một nhà hàng lớn ở Thanh Xuân, với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm xây dựng, lương tháng khoảng 15-17 triệu đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng chị được khoảng 30-32 triệu/tháng.

“Đó là lúc chưa có dịch bệnh Covid-19, thu nhập của hai vợ chồng lúc nào cũng đều đặn vậy. Vợ chồng mình chỉ chi tiêu khoảng 12 triệu. Số tiền còn lại, hai đứa tích cóp để trả nợ ngân hàng tiền mua nhà. Cũng may năm vừa rồi, nợ còn hơn 100 triệu hai đứa đã trả hết. Như vậy, sau 5 năm vay tiền ngân hàng mua nhà, vợ chồng mình đã thoát cảnh nợ nần”, chị Hải Anh vui mừng kể.

Tuy nhiên, suốt năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà công việc của vợ chồng chị Hải Anh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vợ chồng chị không có nhiều việc nên lương bị giảm xuống còn 10 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, thu nhập của cả hai chỉ được khoảng 20 triệu đồng. Dù thu nhập giảm nhưng vợ chồng chị đều cố gắng động viên nhau đi làm. Vì theo chị, vợ chồng chưa bị thất nghiệp là may.

{keywords}
Nhiều người thắt chặt chi tiêu Tết, đề phòng dịch bệnh kéo dài (ảnh minh họa)

Những năm trước, Tết đến vợ chồng chị Hải Anh thường chi tiêu khoảng 20 triệu đồng, có năm lên đến 25-30 triệu. “Tết đến, vợ chồng mình nhiều khoản phải chi lắm. Biếu nội ngoại cũng tầm 15 triệu rồi. Còn mua sắm, chi tiêu cho Tết ở nhà riêng của vợ chồng và Tết nhà ông bà nội ngoại. Chưa kể, tiền tàu xe đi lại mấy ngày Tết nữa”.

Năm nay, quê ngoại chị Hải Anh ở Chí Linh, Hải Dương và quê nội ở Quảng Ninh đang là vùng dịch, vì thế mọi kế hoạch về Tết của vợ chồng chị Hải Anh phải thay đổi 180 độ để thích ứng với tình hình mới.

“Ban đầu, khi dịch bệnh chưa tràn về quê, vợ chồng mình vẫn lên kế hoạch về Tết nội, Tết ngoại như mọi năm. Cả hai cũng dự trù kế hoạch tiêu Tết ở hai quê khoảng 20-25 triệu. Nhưng nửa tháng nay, vợ chồng mình đã phải thay đổi kế hoạch do quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết. Dịch bệnh vẫn phức tạp, muốn về quê cũng không được. Hơn nữa, nếu về quê đón Tết, sau đó lên lại Hà Nội lại phải khai báo y tế, nhỡ lại bị cách ly. Vì thế, vợ chồng thử một năm trải nghiệm ăn Tết Hà Nội xem sao”, người phụ nữ này tâm sự.

Vì lên kế hoạch đón Tết ở Hà Nội nên chị Hải Anh cho hay chi tiêu Tết cũng sẽ tiết kiệm nhất có thể vì mấy ngày Tết anh chị cũng không đi đâu. Chị dự tính Tết năm nay chi tiêu giảm xuống còn 5 triệu đồng. Cụ thể như sau:

Tiền mua mâm ngũ quả, hoa tươi, bánh kẹo: 500.000 đồng. 

Tiền mua thực phẩm ăn Tết: 700.000 đồng. Do bánh chưng, giò thủ, giò nạc, gà quê, nem, hải sản mẹ chồng chị ở Quảng Ninh đã dặn không phải mua sắm ngoài chợ. Bà sẽ làm ở nhà và gửi xe ra Hà Nội, vợ chồng chị chỉ việc liên hệ với nhà xe lấy về ăn.

“Mình chỉ mua thêm ít rau thơm, ít thịt nạc vai băm, trứng gà, ít măng khô, ít rau củ,... để gói nem và nấu bát canh măng, luộc rau ăn mấy ngày Tết. Tất cả đồ ăn khác, ông bà nội đều gửi từ quê lên cho con cháu rồi. Mình chỉ việc về sơ chế rồi chia thành từng bữa, bỏ tủ lạnh ăn dần. Ăn Tết tuy xa quê nhưng vẫn đầy đủ phong vị Tết”, chị Hải Anh nói.

Tiền mua đào + quất chơi Tết: 800.000 đồng

“Năm nay dịch Covid-19 nên đào quất rất rẻ. Hôm 25 Tết, vợ chồng mình đi mua 1 cành đào với 1 cây quất mà chỉ hết có 800.000 đồng. Mức giá này rẻ hơn năm ngoái khoảng 30-40%”, chị kể.

Tiền mừng tuổi bố mẹ và các cháu: 3 triệu đồng

Theo chị Hải Anh, do dịch bệnh Covid-19 nên ở quê ngoại Chí Linh, Hải Dương nhà chị bị phong tỏa. Bởi thế, chị không gửi được gì về nhà. Quê nội ở Quảng Ninh thì không nằm trong vùng dịch chính nên mọi sinh hoạt vẫn như ngày thường, chỉ là hạn chế đi lại. 

“Ông bà nội ngoại đều gọi điện bảo năm nay dịch nên nhà ai ở quê cũng ăn Tết đơn giản và tiết kiệm nhất. Các con cháu ai ở đâu cứ ở đó ăn Tết, không về quê nữa. Giờ mình gửi về nội, ngoại mỗi nhà 1,5 triệu đồng để mừng tuổi bố mẹ và các cháu. Ra Tết vợ chồng chị sẽ về quê biếu bố mẹ sau”.

Năm nay dịch Covid-19 chưa biết kéo dài bao lâu nên ngay từ đầu năm, chị đã phải lên kế hoạch thắt chặt chi tiêu đề phòng cả năm bệnh dịch, ít việc giảm lương còn sẵn có khoản chi tiêu. "Để an toàn, mọi người hạn chế đến nhà nhau chúc Tết nên cũng đỡ khoản lì xì và mua quần áo mới. Khoản này mọi năm chị cũng tốn cả chục triệu đồng. Lại cắt giảm thêm khoản tiền đi lại giữa hai quê, tiền mua quà cáp nữa,... ”, chị chia sẻ.

Một cái Tết tiết kiệm đúng nghĩa nhưng nghĩ lại 1 năm đã qua khó khăn kéo dài, nghĩ về năm tới còn nhiều biến động... chị thấy xót xa và dặn lòng mình phải vững vàng, tiết kiệm và cố gắng hơn trong năm mới.

Thảo Nguyên