Sáng ngày 28/5, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5); Ngày môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường tại huyện Tiên Yên.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, 50 năm trước, thông điệp “Chỉ một trái đất” đã được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức tại Stockhom (Thụy Điển).
Đến nay, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược do sự gia tăng dân số và những áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là từ hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các số liệu do Diễn đàn liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái công bố cho thấy, 1/8 triệu loài động - thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng. Mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm.
Theo tính toán, đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại.
Bộ trưởng TN&MT đưa ra thông điệp “Chỉ một Trái đất” với phương châm trọng tâm “sống bền vững hài hòa với thiên nhiên” và “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học.
Ông kêu gọi mỗi người cần thay đổi thái độ, hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân.
Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch Covid-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân.
Theo Bộ trưởng TN&MT, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam, khẳng định vị thế, trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của xu thế thời đại trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đa dạng sinh học góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân, duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng, cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; tạo nên các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam.
9 khu Ramsar, 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 10 Vườn di sản Asean của Việt Nam đã được quốc tế công nhận.
Tại lễ phát động, Bộ trưởng TN&MT, Bí thư tỉnh Quảng Ninh, đại diện UNDP tại Việt Nam cùng chính quyền, người dân đã tham gia thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) để phát động chiến dịch.
Kiên Trung