Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) vừa công bố Tổng giám đốc mới là ông Hoàng Trung Kiên (đang giữ chức Phó tổng giám đốc FPT Telecom). FRT có doanh thu chính từ FPT Shop, chuỗi bán lẻ hàng công nghệ đứng thứ hai thị trường Việt Nam về quy mô cửa hàng. Công ty cũng sở hữu và đang mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Thay nữ tướng Nguyễn Bạch Điệp - người có mặt từ thời sáng lập FPT Shop và có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành bán lẻ, ông Kiên phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước.
Bên ngoài một cửa hàng FPT Shop. Ảnh: Hải |
Lợi nhuận giảm
Năm 2019, lần đầu tiên FPT Retail ghi nhận lợi nhuận giảm, từ mức 347,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2018 xuống còn 203,7 tỷ đồng (giảm 41%). Lợi nhuận giảm được giải thích do trích lập nợ dự phòng trong quý 4 cho các chương trình F.Friends và Subsidy - chương trình bán hàng cho khách doanh nghiệp và trợ giá điện thoại khi bán kèm SIM nhà mạng.
Doanh thu và lợi nhuận FPT Retail qua các năm. Ảnh: Hải Đăng |
Năm ngoái, FPT Retail đạt doanh thu lũy kế 16.634 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2018. Ngành di động năm 2019 giảm tăng trưởng, do đó doanh thu FPT Retail tăng 9% cũng là nỗ lực của công ty, tuy nhiên chắc chắn mức tăng doanh thu dưới 10% khó làm vui lòng các nhà đầu tư, đó là chưa kể lợi nhuận giảm.
Thế Giới Di Động, chuỗi đứng đầu và đối thủ kề cận của FPT Shop, năm ngoái tăng trưởng doanh thu 18%, lợi nhuận sau thuế tăng 33%. Trong đó, bản thân Thế Giới Di Động cũng chỉ đạt 94% kế hoạch doanh thu năm, cho thấy thị trường khách quan tác động xấu lên các chuỗi bán lẻ.
Khi nắm vị trí điều hành cao nhất của FPT Retail, ông Hoàng Trung Kiên chắc chắn phải có nhiệm vụ tăng trưởng lợi nhuận cho công ty, đồng thời cải thiện mức tăng doanh thu.
Thị trường cạnh tranh, nhiều đối thủ mạnh
Theo FRT, chiến lược 3 năm tới dược phẩm là động lực tăng trưởng. Công ty đặt mục tiêu năm nay tăng số lượng nhà thuốc Long Châu gấp 3 lần, từ 70 lên 220 cửa hàng ngay trong năm nay, doanh thu cũng sẽ tăng lên gấp 3 lần từ 500 tỷ trong năm 2019 lên 1.500 tỷ trong năm 2020.
Phát triển hướng dược phẩm là định hướng khá đúng đắn trong bối cảnh ngành hàng công nghệ đang không còn là miếng bánh béo bở. Theo Hãng nghiên cứu thị trường BMI, quy mô thị trường dược tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD năm 2018, đạt khoảng 7,7 tỷ USD vào năm 2021. Ước tính 25% doanh thu này nằm ở mảng bán lẻ, như vậy vào khoảng 2 tỷ USD năm 2021.
Muốn đạt 1.500 tỷ đồng, tức khoảng 65 triệu USD trong thị trường quy mô khoảng 2 tỷ USD không phải việc quá khó khăn với nhà bán lẻ có kinh nghiệm như FPT Retail, nhất là trong bối cảnh thị trường này đang phân mảnh, chi tiêu dược phẩm của người Việt đang tăng.
Với quy mô 70 nhà thuốc, Long Châu của FPT đang đứng thứ nhì thị trường. Dù vậy, Long Châu phải cạnh tranh với Pharmacity đang dẫn đầu với hơn 250 nhà thuốc, và đối thủ An Khang (của Thế Giới Di Động) đang ở sau lưng với 20 cửa hàng.
Chưa kể, mảng bán lẻ dược phẩm được cho là đang đổ mạnh vào các nhà thuốc bệnh viện và thuốc kê đơn cũng khiến nhà thuốc tư nhân không dễ lấy tiền từ khách hàng.
Song song đó, mảng bán lẻ công nghệ của FPT Shop cũng đối mặt với khó khăn chung của thị trường và phải cạnh tranh với đối thủ Thế Giới Di Động rất mạnh.
FPT Shop có một năm 2019 cực kỳ sôi động khi thử nghiệm bán điện máy (nhưng đã ngưng), bán hàng từ trang Amazon về Việt Nam, bán đồng hồ và mắt kính, mở bán mỹ phẩm. Dù vậy, có thể nói rằng FPT Shop khá chậm so với đối thủ Thế Giới Di Động trong việc mở rộng ngành hàng mới.
Trong khi Thế Giới Di Động mở sang điện máy cách đây 10 năm, mở Bách hoá Xanh cách đây 5 năm, mở trang thương mại điện tử Vuivui (nhưng đã đóng) cách đây 4 năm, thì FPT Retail chỉ mới mở Long Châu cách đây 3 năm. Đến nay, Long Châu là chuỗi ngoài FPT Shop (và F.Studio - chuyên bán hàng Apple) duy nhất của FPT Retail.
Kết quả kinh doanh Thế Giới Di Động so với FPT Retail năm 2019. Ảnh: Hải Đăng |
Đến nay, tổng doanh thu ngành điện thoại, điện máy của Thế Giới Di Động đạt hơn 90 ngàn tỷ đồng, trong khi FPT Retail mới được hơn 16 ngàn tỷ.
Năm 2020 cuộc chiến bán lẻ hàng công nghệ sẽ càng khó khăn hơn khi thị trường chung bão hoà, và Thế Giới Di Động đang tìm cách lấy thị phần từ các chuỗi khác nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Nhìn chung, ông Hoàng Trung Kiên có quá nhiều việc phía trước để làm khi trong tay đang chỉ có hai lựa chọn: chuỗi FPT Shop chịu áp lực cạnh tranh và thị trường giảm, trong khi chuỗi Long Châu còn mới mẻ và đóng góp doanh thu không lớn.