Đợt dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc buộc phải phá sản đã tăng cao, phần lớn là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn cũng gặp không ít khó khăn, phải thu hẹp sản xuất.

Theo thống kê, tại Thái Bình, trong 3 quý đầu năm 2021, gần 300 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn, 43 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, 60 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Hiện Chính phủ quyết định chuyển đổi trạng thái từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. 

{keywords}
Thái Bìn tích cực điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh - Ảnh: T.Bình.

Trong bối cảnh này, dưới sự điều hành của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp ở Thái Bình đã và đang chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch trong trạng thái bình thường mới.

Với tinh thần chủ động phòng chống dịch từ sớm, từ xa, tỉnh Thái Bình đã nhanh chóng triển khai các giải pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh Covid-19, tạo môi trường an toàn cho sản xuất kinh doanh, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Gia hạn thuế VAT; giảm thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp'; miễn giảm 100% mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất, hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ tiền tệ, tín dụng…

Được biết, tới đây Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và sẽ phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), UBND tỉnh Thái Bình và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị “Giải pháp và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19”.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed cho rằng, để tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi sau tác động của dịch Covid-19, Chính phủ, địa phương cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế, chính sách. Trong đó, cần có ưu đãi và đổi mới chính sách về đất, thuế, lãi suất ngân hàng. Đồng thời, cần chia nhóm doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp và hiệu quả, giúp giải quyết đúng và trúng những vướng mắc của doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp từng bước phục hồi và tăng trưởng.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình kiến nghị, để giúp doanh nghiệp yên tâm lao động sản xuất, phục hồi kinh tế, địa phương cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch.

Đồng thời, ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhanh chóng giải quyết các thủ tục đầu tư, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vướng mắc gây ách tắc sản xuất kinh doanh và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm thủ tục nhập khẩu vật tư được nhanh chóng, thuận tiện.

Theo ông, cần Tổ công tác trợ giúp doanh nghiệp, thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp bị tác động mạnh do Covid-19. Ưu tiên với các ngành sử dụng nhiều lao động, tiềm năng quy mô lớn về hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, rào cản làm ảnh hưởng đến đầu tư, phát triển sản xuất của doanh nghiệp như: cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường, chính sách thuế, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời kỳ mới.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng cam kết tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khuyến khích đầu tư, chuyển đổi số nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.

Tuyết Nhung