Thái Bình có đường bờ biển dài 54km với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành thủy sản tăng 6,8%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản chiếm 19,9% so với tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản, trong đó lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chiếm 2/3 sản lượng và giá trị của ngành thủy sản. 

{keywords}
Khai thác thủy sản ở huyện Thái Thụy. 

Để đạt kết quả trên, một trong những giải pháp luôn được tỉnh chú trọng thực hiện đó là cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cả về sản phẩm và hình thức sản xuất.

Trong đó tập trung mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng. Đổi mới, đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản, xác định đâu là đối tượng nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 của tỉnh đạt 15.746,82ha, tăng 7% so với năm 2015. Trong đó: diện tích nuôi trồng nước mặn đạt 3.169ha, nước lợ 3.638,21ha, nước ngọt 8.939,61ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt gần 169.000 tấn, tăng 42,1% so với năm 2015.

Toàn tỉnh hiện có 170ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới, năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha/vụ, 3 - 4 vụ/năm. Nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được mở rộng và phát triển với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 ước đạt 91.401 tấn, tăng 42% so với năm 2015.

Để phát triển nghề khai thác thủy sản có hiệu quả, an toàn và bền vững, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Luật Thủy sản năm 2017 và kiến thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình hoạt động tàu thuyền trong tỉnh. Hướng dẫn, thực hiện nghiêm các quy định về giấy phép khai thác, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Triển khai lắp đặt máy giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên; thực hiện thu, phát sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Định kỳ thả bổ sung giống thủy sản xuống các vùng nước tự nhiên nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Chi cục Thủy sản còn tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Chiến lược Phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản đạt 5%/năm trở lên, chiếm 20 - 22% tỷ trọng cơ cấu toàn ngành nông nghiệp. Đến năm 2045, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3%/năm trở lên, trên 25% tỷ trọng cơ cấu toàn ngành nông nghiệp, mở rộng nuôi cá lồng trên sông, nuôi hàu trên bè, trên biển, phát triển sản xuất giống.

Ngành thủy sản Thái Bình tiếp tục bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh phát triển khai thác hải sản vùng khơi, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

Minh Phúc