Tây Giang (Tiền Hải) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Xã gần trung tâm huyện này đang tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Tận dụng lợi thế nằm giáp thị trấn Tiền Hải, xã Tây Giang có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Toàn xã hiện có 2.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,4%. Đời sống người dân được nâng lên giúp địa phương huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Từ năm 2021 đến nay, xã đã huy động gần 194,6 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất cho giáo dục, các công trình phục vụ dân sinh..., nhờ vậy diện mạo ngày càng khang trang, làng đẹp như phố.
Xã Minh Lãng (Vũ Thư) cũng là một trong những địa phương có sự thay đổi cả về chất và lượng trong xây dựng nông thôn mới. Đây là xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Thực hiện nông thôn mới, cảnh quan môi trường ở xã Minh Lãng ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Với nghề thêu truyền thống, Minh Lãng còn có cụm công nghiệp, tạo việc làm cho 7.000 lao động của địa phương. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 72 triệu đồng/năm, trở thành một trong những địa phương có thu nhập cao của huyện Vũ Thư.
Còn tại huyện Quỳnh Phụ, năm 2015, xã An Thái đạt chuẩn nông thôn mới. Tháng 10, xã là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Đoàn Đức Hợp, Chủ tịch UBND xã An Thái, cho biết sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, người dân trong xã rất phấn khởi khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, cảnh quan môi trường, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Khí thế quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đến với từng người dân, từng gia đình, đường làng ngõ xóm.
Qua phát động phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, toàn xã nhân rộng 12 mô hình điển hình, vận động nhân dân phát huy, giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 75,25 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,957%.
Cuối tháng 11, một lần nữa, An Thái trở thành xã đầu tiên của Thái Bình được đánh giá, xác nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xét công nhận.
Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, cho hay với nhiều cách làm riêng, sáng tạo, sau hơn 10 năm, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của Thái Bình trở nên sâu rộng, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.
Nhiều gia đình đã tình nguyện hiến đất, ủng hộ tiền và ngày công lao động để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. Toàn tỉnh đã huy động trên 25.349 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp gần 4.000 tỷ đồng...
Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 1 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, đoàn thẩm định đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2024 có thêm 10 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó phấn đấu có từ 3 xã trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, khẳng định nhiệm kỳ 2020 - 2025 Thái Bình tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ quan trọng. Phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn này chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Việc phát triển nông thôn ở Thái Bình những năm gần đây đã đi vào chiều sâu. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá đồng bộ, tạo nên diện mạo mới của nhiều xã, thôn, mà đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 14.070 hộ nghèo (chiếm 2,14%), 14.854 hộ cận nghèo (chiếm 2,26%).
Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 10% số xã trở lên đạt chuẩn kiểu mẫu, có 1 huyện trở lên được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.