Tỉnh Thái Nguyên có 124 xã vùng DTTS và miền núi (đến cuối năm 2021 còn 110 xã). Số hộ DTTS là 130.917 hộ với tổng dân số là 384.348 người chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ.

Nhìn chung đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, chậm bứt phá để giảm nghèo bền vững, đa chiều. Theo số liệu thống kê, tỉnh Thái Nguyên còn 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn, có 66/110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 65%), tỷ lệ cao gấp 3 lần bình quân chung vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc…

Không cam chịu để bà con bị cái nghèo, cái khó trì níu, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Ðặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn...

Trên tinh thần đó, tỉnh Thái Nguyên xác định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về ứng dụng dụng công nghệ thông tin là hết sức cần thiết.

Được hỗ trợ ứng dụng CNTT trong đời sống, sản xuất.... nhiều vùng DTTS ở Thái Nguyên ngày càng khởi sắc.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã được tỉnh đầu tư mạnh mẽ và phủ sóng ở hầu hết các khu vực. Tuy nhiên, do nhận thức của bà con ở một số vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống vẫn còn khó khăn. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về ứng dụng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là hết sức cần thiết.

Để việc chuyển đổi số trong vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh đã và đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn, nhằm trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tra cứu, tiếp cận thông tin, ứng dụng vào đời sống và sản xuất.

Nhằm lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi làng, bản, xóm phố, thúc đẩy CĐS rộng khắp, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Một trong những giải pháp đó là thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 15.000 thành viên. Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng “ngõ”, “từng hộ gia đình”, đảm bảo tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, các Tổ công nghệ số cộng đồng đều có thành viên là lãnh đạo, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ xóm/tổ dân phố, trong đó nòng cốt là thanh niên và phụ nữ.

Trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở 10 lớp tập huấn cho 500 học viên là bí thư, phó bí thư chi bộ; trưởng, phó xóm; trưởng, phó các đoàn thể xóm; người có uy tín và người dân vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Sau khi tập tuấn trở về địa phương, mỗi học viên sẽ “cầm tay, chỉ việc” cho người dân về việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống và sản xuất. Qua đó, giúp người dân ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao kiến thức cho đồng bào bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự; góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh...

Bảo Phùng, Ngọc Quý, Đinh Bạt Tuấn