Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, cho biết với gần 100.000 nhân khẩu, huyện có gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Số người cao tuổi chiếm hơn 14% dân số toàn huyện.

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đây hơn 13%. Có 12/15 xã, thị trấn thuộc vùng I, 3 xã còn lại thuộc vùng III, gồm các xã Tân Long, Văn Lăng, Hợp Tiến. Trong đó, 2 xã vùng cao là Tân Long và Văn Lăng có nhiều người dân là đồng bào dân tộc Mông, sinh nhiều con, cuộc sống càng khó khăn. 

Chia sẻ về những thách thức trong công tác dân số, y tế tại huyện này, ông Thu cho hay đường sá đi lại vào các xã còn khó khăn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhiều người là dân tộc thiểu số; hiểu biết và chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế; xóm bản cách xa trạm y tế.

Bên cạnh đó, nhiều phong tục tập quán đã ngấm sâu vào đồng bào dân tộc như tảo hôn, hoặc anh em, họ hàng vẫn lấy nhau. Dù công tác tuyên truyền vận động được triển khai nhiều năm, nhưng sự chuyển biến nhận thức của người dân chưa rõ rệt, nhiều chính sách dân số khi triển khai còn gặp vướng mắc.

Ông Thu lấy ví dụ việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đi tuyên truyền vận động một số gia đình không nhận số tiền đó vì họ phải viết cam kết do họ muốn đẻ thêm con. Lại có trường hợp viết cam kết nhưng sau đó vẫn sinh con thứ 3, vi phạm chính sách không trả lại tiền vì đã tiêu hết…

Ngoài ra, do phụ cấp thấp, đội ngũ cán bộ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số giảm nhiều về số lượng, chuyển sang làm việc khác, ảnh hưởng hiệu quả của việc tuyên truyền đến tận gia đình, càng gây khó khăn cho việc thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân tộc thiểu số.

Nỗ lực vượt khó bằng những cách làm cụ thể

Để thực hiện các nội dung về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trung tâm Y tế Đồng Hỷ đã linh hoạt triển khai nhiều hoạt động.

W-dan-toc-sonla-vnn.jpg
Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm, chăm lo đời sống, sức khỏe. Ảnh minh họa

Cụ thể, trung tâm phối hợp với phòng Y tế, phòng Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tổ chức các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên.

Ngoài ra, các đơn vị còn phối hợp truyền thông vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên. Để chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ phối hợp với Hội Người cao tuổi huyện tổ chức các buổi tư vấn, khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi cho các cụ cao tuổi trên địa bàn…

Không chỉ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện nhiệm vụ và phối hợp với các phòng, ban ngành của huyện, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ cũng đề nghị các xã phải xây dựng chương trình phối hợp cụ thể để tổ chức các buổi tuyên truyền tới từng xóm và tận từng gia đình, vận động người dân đến lắng nghe, chia sẻ về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách nuôi con nhỏ, làm mẹ an toàn… 

Chia sẻ thêm về những giải pháp tiếp theo của Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ giúp triển khai các chính sách về công tác dân số và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện đạt kết quả khả quan, ông Thu cho rằng giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền, vận động.

"Chỉ có tuyên truyền, vận động một cách sâu sát, quyết liệt đến tận người dân thì mới làm họ thay đổi được nhận thức, từ thay đổi nhận thức mới thay đổi được hành vi", ông Thu nhấn mạnh. Ông cũng giải thích với đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều tập quán đã ăn sâu vào trong tiềm thức, không phải có thể thay đổi được ngay mà bắt buộc phải tuyên truyền quyết liệt, thường xuyên...

Thêm vào đó, ông Thu cho rằng nên gắn việc triển khai thực hiện chính sách dân số với phát triển nông thôn mới. Tức là, trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải có tiêu chí về dân số. Khi một xã, hay huyện muốn đạt được tiêu chí nông thôn mới cần phải đạt tiêu chí về dân số. Có như vậy, người dân, chính quyền địa phương đó mới quyết liệt cùng vào cuộc triển khai thực hiện chính sách dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Cuối cùng, ông Thu cho rằng cần tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất để thực hiện công tác dân số quyết liệt, hiệu quả.

Ngọc Dũng và nhóm PV