Tỉnh Thái Nguyên có 550 di sản văn hóa phi vật thể, gồm các loại hình: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian.

Trình diễn hát then đàn tính của dân tộc Dao. (Ảnh: Hải Yến)

Trong đó nghệ thuật trình diễn dân gian bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cũng như bản sắc văn hóa Thái Nguyên nói riêng, nền văn hóa Việt Nam nói chung.

Thực hiện Đề án hỗ trợ hoạt động quản lý và đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện việc sưu tầm, phục dựng nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển du lịch cộng đồng. 

Việc phục dựng chú trọng đến các nghi lễ, loại hình trình diễn dân ca, dân vũ đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phú Lương là địa phương có nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức 6 mô hình, mẫu hình làng, bản văn hóa tại các xã như: Yên Ninh, Yên Đổ, Động Đạt, Phủ Lý, Cổ Lũng, Tức Tranh; triển khai mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số thuộc Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn huyện. Tổng nguồn vốn thực hiện trong năm 2023 là 279 triệu đồng. 

6 câu lạc bộ, mô hình sau khi được thành lập, tập huấn trở thành hạt nhân nòng cốt ở địa phương trong bảo tồn di sản văn hóa, góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Phú Lương.

Ngoài ra, huyện Võ Nhai và Đại Từ cũng đã thực hiện sưu tầm, phục dựng lập hồ sơ lễ hội cầu mùa của người dân tộc Dao Lô gang để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Bên cạnh đó, 2 di sản gồm: Lễ hội núi văn - núi võ ở xã Văn Yên (huyện Đại Từ) và tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương ở các xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. 

Việc triển khai hoạt động bảo vệ, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được gắn kết với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan thiên nhiên và môi trường thực hành di sản. 

Thông qua các hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng và giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng nhân dân trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

PV