- Trong khoảng 20 năm, thiên tai đã khiến gần 11.000 người chết, mất tích và gây thiệt hại trên 17 tỷ USD.
Tại hội thảo thảm họa thiên tai - lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó sáng nay, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai đã công bố những con số thiệt hại khiến nhiều người giật mình.
Thiệt hại 20.000 tỷ mỗi năm
Ông Hoài cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động của thiên tai nhiều nhất và có xu hướng ngày càng gia tăng, phức tạp.
Theo thống kê, trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người. Trung bình mỗi năm thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng (885 triệu USD), chiếm 1-1,5% GDP.
Trận lũ quét lịch sử đầu tháng 8 vừa qua tại Yên Bái |
Trong đó, thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất chiếm trung bình khoảng 15%. Cá biệt trong 8 tháng đầu năm 2017, con số này đã tăng lên 35%, riêng trận lũ quét và sạt lở đất tại 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu vào đầu tháng 8 vừa qua đã khiến 42 người chết, 239 nhà bị cuốn trôi, thiệt hại 1.400 tỷ đồng.
Ông Hoài nhấn mạnh, đây là khối tài sản khổng lồ mà sẽ phải mất rất nhiều năm các tỉnh miền núi nói trên mới có thể làm ra được.
Hiện 10 tỉnh có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao nhất, trong đó Yên Bái nhiều nhất với hơn 2.300 điểm, kế đó là Sơn La gần 1.700 điểm, Hà Giang gần 1.000 điểm. Tuy nhiên mức độ nguy cơ từng điểm chưa có.
Ông Trần Quang Hoài |
Theo ông Hoài, nguyên nhân chính do địa hình dốc, địa chất phức tạp, độ liên kết kém, độ che phủ rừng suy giảm, mưa lớn kéo dài, mưa lớn cục bộ, dự báo, cảnh báo còn hạn chế, chưa cảnh báo được sớm trong phạm vi hẹp... Trong khi đó người dân vẫn chưa từ bỏ tập quán sinh sống ven sông, suối, chân taluy.
Khó học được Nhật
Ông Hirotada Matsuky, GĐ Bộ phận quan hệ quốc tế, Phòng Quy hoạch sông ngòi, Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho biết, mỗi năm nước này đầu tư chi phí rất lớn cho phòng ngừa, nghiên cứu giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Với Việt Nam, Nhật Bản đề xuất nên áp dụng các giải pháp tạm thời như lập hàng rào bảo vệ, hàng rào bao cát. Về lâu dài, cần phải chia rõ quản lý độ dốc (xây mỏ neo, khung bê tông), quản lý lở đất (đào các giếng nước), quản lý dòng rác (xây đập khe thép).
Tuy nhiên, ông Vũ Kiên Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiên tai cho biết, các biện pháp công trình (kè tường, đổ bê tông mặt, hệ thống thoát nước thấm, …) để ngăn lũ quét, sạt lở đất đều khó khả thi do có quá nhiều điểm, rất tốn kém.
Ông Trung đề nghị nghiên cứu phương án lắp đặt hệ thống cảnh báo và cảnh báo thông qua xác định ngưỡng mưa để chủ động với độ chính xác 50%.
Hiện toàn miền Bắc đến Hà Tĩnh mới có 79 trạm đo mưa và các trạm này đơn thuần đo lượng mưa chứ chưa cảnh báo sớm được.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng |
Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, Nhật Bản luôn chú trọng hệ thống cảnh báo trước thiên tai, còn tại Việt Nam, thiên tai xảy ra rồi mới đi giảm nhẹ, công tác nghiên cứu dự báo chưa được quan tâm.
“Ngành dự báo đã nỗ lực, bám sát từng trận nhưng vẫn hạn chế về mặt công nghệ nên dự báo mưa còn khoảng cách xa so với thế giới”, Thứ trưởng Thắng đánh giá.
Ông đề nghị dự báo thời gian tới phải cảnh báo sớm hơn trên diện hẹp để thông tin đến người dân kịp thời, rộng quá không biết ứng phó sao.
Song song đó, ưu tiên cắm mốc cảnh báo; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định các ví trí nguy cơ, có chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tăng cường nhận thức cho người dân và chính quyền...
Lũ ống đổ về, nước ngập gần lút đầu người ở Điện Biên
Mưa lớn kéo dài, khiến khu vực xã biên giới Mường Lói, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) ngập lụt nặng, có nơi ngập sâu tới 2m.
Mù Cang Chải: Tang thương gia đình 4 trẻ bị lũ cuốn
Căn nhà của các cháu nhỏ mất tích ở bản Kháo Giống vẫn đóng kín từ hôm lũ quét. Mọi người đổ đi tìm các cháu, hi vọng ngày một mong manh.
Loạt xe máy biến dạng ngoi lên từ bùn lầy sau lũ
Lực lượng cứu hộ điều máy xúc để lưu thông dòng chảy, trục vớt các vật dụng, phương tiện xe cộ từ trong đống đổ nát ở Mù Cang Chải.
Lũ quét ở Mù Cang Chải: Hồ thủy điện thành hồ củi
4km chiều dài của hồ tích nước thủy điện tại xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải biến thành hồ củi. Hàng trăm người dân rủ nhau đi vớt củi dọc lòng hồ.
Bí thư Yên Bái: Lũ ống chưa từng có trong lịch sử
Lũ ống, lũ quét đêm qua và rạng sáng nay ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La đã làm 34 người chết, mất tích.
Mưa lũ ngập đến tận nóc nhà
Trên địa bàn huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) vừa đón mưa lớn kèm theo nước sông Chảy lên nhanh đã gây ngập lụt tại một số nơi trên địa bàn huyện.
Thúy Hạnh