PHÁT TRIỂN KINH TẾ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, THU HẸP CHÊNH LỆCH VÙNG MIỀN TRONG TỈNH
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh. |
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Đại hội!
Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhất trí cao với Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về các văn kiện Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày trước Đại hội. Được sự phân công của Đoàn chủ tịch, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tôi xin báo cáo góp phần làm rõ thêm về nội dung “Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh”.
Kính thưa Đại hội!
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã được những thành tựu đáng trân trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân; đó là thành quả của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh qua nhiều thế hệ, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây và của nhiệm kỳ 2015 - 2020; là kết quả của việc:
1.Nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh làm căn cứ hoạch định chiến lược phát triển: (1) với vị trí trọng yếu ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc;(2) có Kỳ quan Hạ Long 02 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới kết nối với những đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Lan Hạ; (3) có mỏ than với chất lượng tốt nhất, trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á; là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; (4) có di sản nhà Trần với các giá trị nhân văn về phật pháp, tâm linh, quyết tâm dựng nước, giữ nước trải dài từ non thiêng Yên Tử (Uông Bí) - nơi duy nhất có nhà vua từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại thiền phái mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng đạo pháp với dân tộc và đại đoàn kết các tôn giáo - đến Ngọa Vân (Đông Triều), Bạch Đằng Giang (Quảng Yên), Cửa Ông (Cẩm Phả); (5) là nơi hội tụ, giao thoa của nền văn minh sông Hồng. Đó là những tiềm năng, lợi thế, cơ hội để Quảng Ninh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch nhanh, bền vững.
2. Nhận thức đầy đủ các khó khăn, mâu thuẫn, thách thức đan xen để lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển: (1) Là một tỉnh có 4 thành phố, 2 thị xã song có trên 60% đơn vị hành chính cấp xã (109/177) là miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng bào 42 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh, chủ yếu ở địa bàn miền núi, hải đảo, biên giới khó khăn nhưng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Gần 50% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi nhưng chỉ đóng góp 5,1% GRDP. Khoảng cách giữa 20% người giàu nhất với 20% người nghèo nhất trong tỉnh chênh lệch trên 8 lần.
(2) Mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn chưa được phát huy với các thể chế, cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp với tình hình mới; giữa yêu cầu phát triển với các nguồn lực có hạn cả về con người và vật chất; giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa tốc độ phát triển và chất lượng tăng trưởng.
(3) Thách thức giữa phát triển nhanh, bền vững với gia tăng khoảng cách giàu nghèo và biến đổi khí hậu; giữa vừa phải phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vừa phải chủ động góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở địa bàn tiền tiêu của Tổ quốc.
3. Định hướng tầm nhìn dài hạn làm cơ sở lựa chọn quan điểm, bước đi, giải pháp tiến tới mục tiêu: xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc và cả nước; tích cực đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
4. Lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa họcvới sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư.
Bám sát 7 quy hoạch chiến lược, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của Tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Với tâm là Thành phố Hạ Long được mở rộng địa giới, không gian phát triển sau khi nhập huyện Hoành Bồ tạo ra dư địa mới và nguồn lực mới với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã còn nhiều khó khăn; hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Tỉnh và tuyến phía Tây.
5. Bám sát Cương lĩnh phát triển đất nước, ưu tiên triển khai đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng bằng việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.Với quan điểm “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã tập trung tiết kiệm nguồn chi, chủ động ứng vốn, đề xuất thực hiện chủ đầu tư đối với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; hợp tác công - tư đối với tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, và tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (hoàn thành trong năm 2021); thu hút doanh nghiệp đầu tư Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với giải pháp kỹ thuật, kiến trúc độc đáo, góp phần giảm 50% thời gian di chuyển bằng đường bộ từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đến địa đầu Đông Bắc Tổ quốc; với bán kính 5 giờ bay bao phủ 60% dân số và 40% GDP thế giới. Tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020 đạt trên 123.000 tỷ đồng, trung bình cứ 01 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp theo nguyên tắc “5 tại chỗ” và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã; tập trung xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử giai đoạn 2016 - 2019, đề án chính quyền số và Trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo thuận lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ. Xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến 100% các xã, phường, thị trấn, xóa rào cản về khoảng cách, tăng hiệu quả tiếp cận thông tin, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt trong những tình huống nhanh, khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục trong nhiều năm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền địa phương cải thiện rõ rệt: với bước đột phá ba năm liên tục từ năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng đầu cả nước; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) luôn đứng ở nhóm dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục tiến bộ về điểm số và thứ hạng.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng gắn với tăng quy mô dân số. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ban hành cơ chế, chính sách riêng của tỉnh thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh; các cơ chế, chính sách thu hút giảng viên, học sinh, sinh viên và xây dựng Trường Đại học Hạ Long từng bước trở thành trung tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực. Thực hiện hiệu quả Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 48% năm 2010 lên 63% năm 2015 và 85% năm 2020.
6. Kiên trì thực hiện mục tiêuphát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vữnggắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo hướng: Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Phát triển kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu nông nghiệp với phương châm lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệpvà phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của Tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế.
7. Quảng Ninh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách của địa phương; không chờ kinh tế phát triển rồi mới lo các vấn đề về xã hội, bằng hệ thống đồng bộ các giải pháp cụ thể, hiệu lực, hiệu quả.
Tập trung đầu tư toàn diện hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn và các hạ tầng phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt, sản xuất như đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống; khoảng 98% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Từ khi có điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô từ một huyện nghèo đã trở thành huyện đảo nông thôn mới đầu tiên của cả nước, đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo, GRDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD.
Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong 5 năm qua, Tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm và cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi… Từ đó, đã khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách chi cho sự nghiệp y tế; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân;tập trung rà soát, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả (Trạm y tế tuyến xã theo 3 mô hình; các trung tâm y tế cấp huyện) tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, nhất là cho người nghèo, đối tượng khó khăn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ này là 100%. Phát triển mạnh y tế dự phòng, nâng cao hiệu quả năng lực dự báo, phát hiện, kiểm soát và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh với 85% số trường đạt chuẩn quốc gia. Quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo là 99,58%. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, xem đó là yếu tố cần thiết mang tính chiến lược để tăng cường năng lực nội sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần tăng tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2020 - 2025 ở các cấp.
Lựa chọn được các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, ưu tiên nguồn lực, xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu theo hướng người dân là chủ thể của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gắn kết với việc triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn, giảm nghèo bền vững, đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm và 91% xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Việt Dân (Đông Triều) đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước.
Chú trọng xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp để phát huy vai trò của vùng khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa ở các huyện miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm văn hóa đặc trưng vùng miền để phục vụ phát triển du lịch, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.
8. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển; triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế
Thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch lại và xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai. Dành nguồn lực lớn bằng nội lực của Tỉnh hoàn thành cơ bản việc nâng cấp tương đối đồng bộ các tuyến tỉnh lộ kết hợp với đường tuần tra biên giới trên toàn tuyến biên giới trên bộ, bảo đảm giao thông thuận tiện và sức cơ động nhanh. Đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống cảng biển và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hoàn thành và đưa vào sử dụng 9 khu neo đậu; đã có 304 tàu cá đánh bắt xa bờ; hình thành 20 mô hình liên kết sản xuất tại các địa phương.
Với tinh thần kế thừa, phát huy thành tựu chung của đất nước và của Tỉnh sau gần 35 năm đổi mới, tiếp nối đà tăng trưởng và phát triển sáng tạo của nhiệm kỳ Đại hội XIII (2010 - 2015) của Đảng bộ; 5 năm qua tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng trên mọi phương diện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; củng cố, tăng cường niềm tin, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định.Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, đến năm 2020 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Thực hiện ba đột phá chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả quan trọng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, luôn nằm trong nhóm đứng đầu cả nước; cải cách hành chính có bước đột phá; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85% (tăng 20,55% so với năm 2015), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020; khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Chính trị ổn định, xã hội kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai.
Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch, kiểm soát tốt được tình hình, không để bất kỳ người dân nào bị nhiễm Covid-19, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” - điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công “mục tiêu kép” vừa chăm lo, bảo vệ an toàn sức khỏe Nhân dân, vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất - kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng, GRDP cả năm đạt 10,05%, đứng thứ ba cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 49.500 tỷ đồng, vượt 10% so với dự toán; có ý nghĩa quyết định hoàn thành các mục tiêu quan trọng của cả giai đoạn 2016 - 2020.
Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh, bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm quan trọng như sau:
Một là, bám sát, nắm chắc, chủ động tiếp thu, hiện thực hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và các địa phương; nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, huy động sức mạnh tổng hợp với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là chủ yếu. Kiên trì nguyên tắc, quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng giữa các vùng miền, bình đẳng giữa các khu vực; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn Quảng Ninh, hành động theo quy luật khách quan; xác định tầm nhìn chiến lược, dài hạn; thực hiện phương châm “Quy hoạch tổng thể; xây dựng từng phần”; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả. Trong tư duy kinh tế - xã hội, không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá; phát triển nhanh các vùng có lợi thế để tạo thành các cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, đồng thời bố trí nguồn lực thỏa đáng hỗ trợ các vùng khó đồng hành, không để một ai ở lại phía sau.
Ba là, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội. Lấy “dân làm gốc”, Nhân dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực, động lực và mục tiêu của sự phát triển; bảo đảm tính bền vững, hài hòa ngay trong từng bước đi.
Từ thực tiễn, Quảng Ninh xin được đề xuất một số giải pháp để có thể triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng:
(1) Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tăng quyền chủ động về quản lý ngân sách, đầu tư phát triển, cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng đô thị, tổ chức bộ máy, biên chế... đối với một số địa phương trọng điểm để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và nhân rộng mô hình có hiệu quả.
(2) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với tinh thần các Nghị quyết TW6 (khóa XII); kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, xin kính chúc Đoàn Chủ tịch Đại hội và các quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc, thành công.
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số mở ra không gian phát triển mới
"Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước"- Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói như vậy khi tham luận tại Đại hội XIII của Đảng sáng nay (28/1).
Ban Thời sự