Tổng kết thực tiễn mười năm phòng chống tham nhũng, đánh giá tình hình tham nhũng trong thời gian qua, kết quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để đề ra những chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới trong giai đoạn mới.

Tăng cường giải pháp phòng ngừa tội phạm về tham nhũng, tích cực thu hồi tài sản

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, chống tham nhũng là nhiệm vụ phức tạp, cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để bổ sung quan điểm, cách làm mới đạt hiệu quả tốt.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Một trong những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát; tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự với người vi phạm. Kinh nghiệm của Trung Quốc là khi phát hiện vi phạm của cơ quan hành chính, VKS sẽ kiến nghị khắc phục. Nếu cơ quan nào không khắc phục, VKS khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa phán quyết.

Ông Trí cho rằng, Việt Nam cũng nên tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, tạo điều kiện cho người sai phạm khắc phục hậu quả. "Cách làm này sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý. Chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình".

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của ông Viện trưởng VKSND Tối cao về việc cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa tội phạm về tham nhũng và tích cực thu hồi tài sản. Chính sách pháp luật của Việt Nam hiện nay đối với tội phạm về tham nhũng là xử lý nghiêm minh và chú trọng việc thu hồi tài sản.

Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt chủ trương xử lý nghiêm minh, kịp thời phát hiện vi phạm và công tác thu hồi tài sản từng bước đạt hiệu quả. Bởi vậy, thời gian tới đây tiếp tục duy trì chính sách kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, tăng cường công tác thu hồi tài sản và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.

Nếu chỉ thu hồi tài sản và "hành chính hóa", "dân sự hóa" hành vi tham nhũng thì sẽ không đảm bảo hiệu quả mà cần phải tiếp tục phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh với mọi hành vi tham nhũng dù là tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có nhiều hành vi được xác định là hành vi tham nhũng như: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Phần lớn các hành vi tham nhũng ở Việt Nam được xác định là tội phạm, được quy định trong bộ luật hình sự. Người thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật phải bị áp dụng chế tài hình sự trong đó có nhiều tội danh quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tội phạm về tham nhũng gồm: 1. Tội tham ô tài sản (điều 253); 2. Tội nhận hối lộ (điều 354); 3. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 355); 4. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 356); 5. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (điều 357); 6. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (điều 358); 7. Tội giả mạo trong công tác (điều 359).

Về mặt lý luận, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ.

Hành vi cấu thành tội phạm kể từ thời điểm thực hiện các hành vi theo điều luật mô tả. Pháp luật quy định, không xét xử oan sai, cũng không bỏ lọt tội phạm. Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Kết án oan người vô tội cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Bởi vậy việc xử lý tội phạm hay không xử lý tội phạm không thể tùy tiện mà phải căn cứ vào quy định pháp luật. Khi hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý. Nếu không đề cao nhiệm vụ phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mà chỉ chú trọng đến việc thu hồi tài sản thì có thể còn làm tăng nguy cơ tham nhũng.

Nếu những người có chức vụ quyền hạn tham nhũng mà bị phát hiện, chỉ phải nộp lại tài sản mà không bị xử lý hình sự thì họ sẽ không sợ, sẽ càng củng cố quyết tâm thực hiện hành vi tham nhũng đến cùng.

Khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự

Theo quy định của pháp luật, hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước thỏa mãn dấu hiệu cấu thành một trong các tội danh trong nhóm tội về tham nhũng thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Khuyến khích người phạm tội bồi thường khắc phục để được hưởng khoan hồng là việc cần làm và phải có những giải pháp để đảm bảo hiệu quả.

Còn đối với các giải pháp phòng ngừa tội phạm thì phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ thì mới đạt hiệu quả, trong đó có các giải pháp như: làm tốt công tác nhân sự, tuyển chọn nhân sự và bộ máy nhà nước phải là những người có đức, có tài, sử dụng đúng vị trí, đúng khả năng, phù hợp với năng lực để họ có cơ hội phấn đấu; toàn cải cách tiền lương để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người có chức vụ quyền hạn;

Cần phải liên tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức, năng lực, bản lĩnh chính trị, đạo đức của cán bộ; cần tăng cường công tác quản lý kinh tế; công khai, minh bạch, tăng Cường cơ chế giám sát, quản lý tài chính chặt chẽ để người có chức vụ quyền hạn không thể tham nhũng, không có cơ hội để thực hiện hành vi tham nhũng phải có tham nhũng cũng không có chỗ để cất giấu tài sản;

Cần vận dụng các phương tiện kĩ thuật, thành tựu khoa học công nghệ và phòng chống tham nhũng, học hỏi kinh nghiệm quốc tế; cần phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế

Để phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải hướng đến những mục tiêu làm sao cho người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng.

Việc học tập kinh nghiệm phòng chống tham nhũng ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á và Đông Nam Á là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, vẫn phải trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, trong đó có nguyên tắc là mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý hình sự, không oan sai và không bỏ lọt tội phạm. Không nên hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế. Cũng không nên hành chính hoá, dân sự hóa quan hệ hình sự.

Bởi vậy, người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự chứ không thể thỏa thuận với họ về việc nộp tài sản thì sẽ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc mở rộng các vụ kiện hành chính, gắn trách nhiệm với cơ quan nhà nước trong việc quản lý tài sản công là cần thiết.

Tuy nhiên nếu để thất thoát tài sản công, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí mà thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý đối với các cá nhân sai phạm.

Còn trách nhiệm tập thể, trách nhiệm về phần dân sự thì có thể giải quyết trong vụ án hình sự hoặc giải quyết trong quan hệ dân sự hành chính khác mà không loại trừ trách nhiệm hình sự với cá nhân.

Trong đấu tranh "phòng - chống" tham nhũng thì "phòng" và "chống" là hai nhiệm vụ khác nhau, có mối liên quan, quan hệ biện chứng với nhau.

Tuy nhiên, đề cao các giải pháp phòng tham nhũng là đúng hướng và tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển văn minh của xã hội. Phòng tham nhũng không có nghĩa là không chống hoặc chống tham nhũng một cách hời hợt.

Cần phải kết hợp hài hòa giữa phòng và chống, hoạt động phòng tham nhũng không thể thay thế cho hoạt động chống tham nhũng. Với hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải chống, phải xử lý chứ không thể áp dụng các giải pháp phòng tham nhũng, "hành chính hóa" hay "dân sự hóa" để xử lý với các hành vi đã vi phạm. 

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường