Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, Lai Châu, một ngày tiếp nhận khám khoảng 300 bệnh nhân; điều trị nội trú cho gần 250 bệnh nhân. Dù bệnh nhân đông nhưng các khoa, phòng, khuôn viên bệnh viện đều được vệ sinh rất sạch sẽ. Mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của đơn vị khoảng 210kg cùng 50kg rác thải y tế nguy hại phát sinh, chưa kể lượng lớn nước thải từ các phòng mổ, phòng thủ thuật, các khu vệ sinh.
Trong khi đó, huyện Than Uyên đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Một trong những giải pháp được huyện ưu tiên trong thực hiện tiêu chí môi trường là tập trung kiểm soát, xử lý chất thải y tế.
Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư một lò đốt rác y tế công nghệ nhiệt phân khí hóa, công suất 25kg/giờ và hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ hấp cắt tiệt trùng, công suất 30kg/mẻ để xử lý rác thải y tế nguy hại. Ngoài ra, cơ sở này còn được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế bằng hệ thống hợp khối công nghệ Nhật Bản với công suất 50m3/ngày, đêm.
Riêng các loại chất thải như chai, lọ thủy tinh được trung tâm đầu tư máy nghiền và tận dụng làm các công trình xây dựng tại trung tâm như: đổ bê-tông, đóng gạch làm tường bao hay xây bồn hoa. Với chất thải rắn thông thường hằng năm, trung tâm ký hợp đồng thu gom và xử lý theo quy định. Nhờ được đầu tư và những cách làm thiết thực, hướng tới môi trường xanh - sạch - đẹp, nhiều năm liền, trung tâm đạt các tiêu chuẩn về môi trường cho phép, tăng sự hài lòng của người bệnh, người dân.
Không chỉ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, tại các xã, thị trấn, các ban, ngành đoàn thể cũng tích cực các biện pháp xử lý rác thải, đảm bảo tiêu chí về vệ sinh môi trường, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng, giữ vững, duy trì chuẩn nông thôn mới.
Đoàn viên, thanh niên huyện Than Uyên thường xuyên phát quang bụi rậm, khơi thông cống, mương, quét dọn, thu gom xử lý rác thải; trồng cây xanh. Trong khi đó, các cấp hội phụ nữ huyện sáng tạo nhiều mô hình hay trong bảo vệ môi trường như: xử lý, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh; thành lập mô hình: “Đoạn đường xanh, sạch, đẹp”, “Tổ phụ nữ thu gom và phân loại rác”...
Hội phụ nữ huyện còn tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ đi chợ không sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm. Hướng dẫn, vận động các cấp hội trồng mới nhiều cây xanh phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng con đường hoa. Cùng với đó, xây dựng mô hình “Làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa” để xây dựng tường bao, ghế ngồi bằng vật liệu nhựa tái chế và thân thiện với môi trường.
Đến nay, toàn huyện Than Uyên có 58 câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường”, 1 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, 1 mô hình “3 sạch” ở các xã, thị trấn do phụ nữ duy trì và phát huy hiệu quả”.
Để có kết quả đó, công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của hội viên, phụ nữ và người dân rất quan trọng, song song với việc cụ thể hóa bằng những hoạt động, mô hình phù hợp, thu hút hội viên tham gia.
Theo Quyết định 2218/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lai Châu ban hành ngày 10/12/2023 kèm kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hết năm 2023, Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, toàn tỉnh có 94 xã thực hiện, trong đó 39 xã (41,5%) đã đạt chuẩn.
Năm 2024, tỉnh quyết tâm nâng số xã đạt chuẩn lên 44, riêng huyện Than Uyên nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới từ 7 lên 11 xã/11 xã, bình quân các xã đều đạt 19 tiêu chỉ. Trong danh sách 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 ban hành theo kế hoạch của UBND tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường có xã Sơn Bình, huyện Than Uyên có 4 xã: Khoen On, Tà Mung, Tà Hừa, Pha Mu.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Than Uyên mong muốn được xem xét bố trí bổ sung nguồn kinh phí, nguồn lực để triển khai thực hiện các nội dung của các tiêu chí chưa đạt. Bên cạnh đó, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của người dân. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình.