Trong tháng 4 vừa qua, phần lớn cổ phiếu nhóm chứng khoán đã lao dốc mạnh, đơn cử như SSI, HCM, VCI, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS, FTS,... đều đã "bốc hơi" 15-30%, thậm chí giảm 40-50% so với đỉnh cuối tháng 11/2021.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/5, cổ phiếu của các công ty chứng khoán dẫn đầu nhóm như SSI của CTCP chứng khoán SSI đạt mức 31.000 đồng/cp, giảm 44,5% so với đỉnh tại từ cuối tháng 11 năm ngoái; cổ phiếu HCM của CTCP chứng khoán TP.HCM mất 47% so với đỉnh vào ngày 23/11/2021 xuống còn 25.050 đồng/cp; trong khi mã được cho là mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán là VND của CTCP Chứng khoán VNDIRECT cũng giảm 18% trong tháng 4, từ 35.500 đồng/cp xuống còn 29.000 đồng/cp.
Nếu tính từ thời điểm đầu tháng 4/2022, vốn hóa thị trường của SSI đã mất gần 14.000 tỷ đồng, VND giảm 7.800 tỷ đồng, HCM bốc hơi 4.700 tỷ đồng.
Trong báo cáo kinh doanh quý I/2022, doanh thu hoạt động hợp nhất của SSI đạt 2.068,4 tỷ đồng, tăng trưởng 36,2% so với quý I/2021. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của SSI ghi nhận ở mức 706 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 599,5 tỷ đồng, tăng 37% so với quý I/2021. Dư nợ ký quỹ cuối quý tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 20.619 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022 của VND, doanh thu đạt 1.771 tỷ đồng tăng 35,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 760 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại báo cáo thường niên năm 2021 vừa công bố, VND tuyên bố, năm 2022 công ty dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn cuối năm. Trước đó, vào cuối tháng 2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho VND tăng vốn chủ sở hữu lên hơn 12.000 tỷ đồng trong quý I/2022 thông qua chào bán 782,9 triệu cổ phiếu ra công chúng, bao gồm 434,94 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1) với giá chào bán 10.000 đồng/cp và 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông (tỷ lệ 80%) từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022 của HCM, tổng doanh thu hoạt động đạt 1.067 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 282 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài sự sụt giảm của các công ty chứng khoán hàng đầu, một số doanh nghiệp khác có biên lợi nhuận tốt trong quý I/2022. Đơn cử, CTCP Chứng khoán Agribank (ARG) đạt lợi nhuận sau thuế là 61 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) đạt 83 tỷ đồng…
Mặc dù quý I/2022, các công ty chứng khoán có biên lợi nhuận khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng triển vọng cho những tháng còn lại của năm 2022 dự báo trở lên đen tối khi thị trường bình quân những tháng đầu năm chỉ đạt 14.000-16.000 tỷ đồng/phiên so với hơn 26.000 tỷ đồng/phiên của năm 2021.
Chỉ tính riêng tháng 4, thị trường ghi nhận nhiều phiên thanh khoản giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên HoSE cũng sụt giảm mạnh so với tháng trước, xuống thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Dự báo, thanh khoản thấp sẽ tiếp tục đeo bám thị trường trong thời gian còn lại của năm 2022.
Đứng trước nguy cơ thị trường tiếp tục thanh khoản chậm, nhiều công ty chứng khoán có thể bị thủng túi trong năm 2022 khi áp lực doanh thu từ việc môi giới chắc chắn sẽ bị tụt giảm, chưa kể, hoạt động cho vay margin cũng bị ảnh hưởng bởi quy mô giao dịch hạn chế. Ngoài ra, yếu tố thanh khoản sẽ quyết định mạnh đến mảng tự doanh, vì vậy doanh thu từ mảng này sẽ bị thâm hụt lớn cho các doanh nghiệp chứng khoán.
Trước những diễn biến vừa qua, thị trường khó có thể hồi phục trong ngắn hạn, trong khi chính sách vĩ mô hỗ trợ cho thị trường chưa đạt được kỳ vọng cho phía nhà đầu tư. Trong mùa đại hội cổ đông thường niên 2022, một số công ty chứng khoán cũng đưa ra con số lợi nhuận giảm trong năm nay.
Ngọc Cương