- Ông Lê Xuân Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng) lên tiếng về những kiến nghị của khách hàng trong đó có việc “tố” chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, tự ý điều chỉnh hạng mục thang máy tại dự án Lạc Hồng Lotus – N01T5 Khu Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

>> Thang máy vào 6 ra 3, dân chung cư cao cấp ‘ngã ngửa’ nhận nhà

Clip: Mục sở thị thang máy chung cư cao cấp “vào 6 ra 3” 

“3 cửa hay 6 cửa thang máy không quan trọng”

Như VietNamNet đã phản ánh, thời gian qua, nhiều khách hàng dự án Lạc Hồng Lotus – N01T5 đã có đơn kiến nghị gửi đến chủ đầu tư và một số cơ quan chức năng nêu lên một số vấn đề tại dự án trong đó có việc chậm bàn giao căn hộ, "tố" chủ đầu tư tự ý điều chỉnh hạng mục thi công thang máy.

Theo phản ánh của khách hàng, theo hợp đồng đã ký kết trước đó ghi rõ: Gói hoàn thiện đầy đủ 5 thang khách, 1 thang hàng Mitsubishi. Bản vẽ thiết kế mặt bằng điển hình tầng 6 đến 32 được các cơ quan chức năng đã phê duyệt mỗi tầng có đủ 6 thang (5 thang khách và 1 thang hang). Tuy nhiên, khi khách hàng tới dự án chuẩn bị nhận bàn giao căn hộ mới “ngã ngửa” hạng mục thang máy lại không như hợp đồng đã ký kết. Hiện trạng tại dự án nhiều tầng thiếu cửa thang có tầng chỉ có 4 cửa thậm chí 3 cửa (2 cửa thang khách và 1 cửa thang hàng).

Liên quan đến vấn đề này, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Lạc Hồng.

{keywords}
Dự án Lạc Hồng Lotus – N01T5 tại Khu Ngoại giao đoàn do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư “dính” lùm xùm khi bàn giao căn hộ.

Về việc khách hàng “tố” chủ đầu tư tự ý, điều chỉnh, cắt bớt hạng mục thang máy mà không hề có thông báo theo hợp đồng mua bán đã ký kết lãnh đạo Công ty Lạc Hồng khẳng định làm đủ 6 thang máy.

6 thang máy chúng tôi đủ 6 thang, trọng tải vẫn đủ. Còn về phần cửa thang, làm cửa để làm gì khi không dừng, không đỗ. Làm cửa càng nguy hiểm hơn, có vào có ra được đâu mà làm” – ông Trường nói.

Trao đổi về việc phân zone thang máy, theo ông Trường, rất nhiều nhà cao tầng trên 30 tầng và một số toà nhà hiện đại đều chia ra ra làm 2 cụm. “Tại sao lại chia ra như vậy. Chia ra để tránh xung đột trong giờ cao điểm hạn chế việc những tầng không liên quan bấm lệch, tránh tình trạng đợi nhau rất sốt ruột không cần thiết trong khi đó mấy thang kia thì nằm chờ. Đây là rất văn minh. Cáp treo càng dài, chạy nhiều, đỗ nhiều dừng nhiều thì phải bảo hành nhiều”.

“Công ty Lạc Hồng không làm sai bất cứ điều gì về vật liệu. Bây giờ đòi hỏi 6 cửa thang, tôi trả lời khi điều hành thì 3 cửa hay 6 cửa không quan trọng vì tôi điều hành tôi chịu trách nhiệm trước dân về kỹ thuật lưu lượng khách hàng quan trọng hơn và thời gian mọi người khi ở quan trọng hơn” - lãnh đạo Công ty Lạc Hồng cho hay.

Trước ý kiến của khách hàng cho rằng việc bớt các cửa thang máy là tự ý, không hề có sự thông báo cũng như sự đồng thuận của khách hàng vi phạm nghiêm trọng hợp đồng và vi phạm so với bản thiết kế đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định phê duyệt, chủ đầu tư nêu ý kiến: Chúng tôi không tự cắt. Chúng tôi có quyền được phân luồng được hoạch toán lại giao thông miễn đảm bảo sự thoát giao thông trong tòa nhà.

{keywords}
Mặt bằng điển hình tầng 6-32 dự án Lạc Hồng Lotus trong hợp đồng mua bán (Phần khoanh tròn là sảnh thang máy, 6 cửa thang).

Cũng theo ông Trường, chuyện không thông báo cho khách hàng có thể trong kinh nghiệm quản lý. Những việc tôi làm tốt rất nhiều việc tốt khác tại dự án chúng tôi có thông báo không? “Tôi thấy đúng hơn, tôi làm. Tôi khẳng định rằng hầm làm tốt, sảnh làm tốt có trong hợp đồng không nhưng chúng tôi vẫn làm. Cái gì tốt hơn thì tự chúng tôi làm” – ông Trường nói.

“Bây giờ nếu chỉ cần thay đổi loại thang Mitsubishi của Thượng Hải thôi đã giảm giá rất nhiều so với Thái Lan rồi giảm giá ít nhất là 3 tỷ đồng. Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Sau này công ty sẽ chuyển về đây nên không muốn làm xấu cho ngôi nhà của mình. Chúng tôi đã hỏi Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) rồi việc điều hành hay không là của chủ đầu tư” – vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Lạc Hồng cho biết.

Trong khi đó, về việc chậm tiến độ, lãnh đạo công ty thừa nhận có chậm nhưng không đáng kể chỉ khoảng 2 hơn tháng. Phía chủ đầu tư cho biết, đã làm thêm nhiều hạng mục cho dự án nên dẫn đến việc chậm trễ này như xin thêm 1 tầng hầm, tăng cứng đánh bóng bề mặt toàn bộ tầng hầm, bổ sung hệ thống điều hoà trung tâm tại sảnh thang máy... hoàn toàn không có trong hợp đồng.
“Dự án chậm tiến độ là thật nhưng việc chậm này không phải mong muốn của chủ đầu tư. Khi bổ sung những hạng mục của dự án dù không có trong hợp đồng chúng tôi muốn làm cho dự án tốt hơn” – ông Trường chia sẻ.

Làm trước hỏi sau?

Trong cuộc trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Công ty Lạc Hồng cho biết, khi có ý kiến về vấn đề thang máy cách đây mấy tháng đơn vị này đã hỏi ý kiến Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng). Theo tìm hiểu của PV, ngày 19/10/2018 công ty mới có văn bản gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng về việc “đề nghị có ý kiến về giải pháp chi lô thang máy tại công trình NO1-T5 Khu Đoàn Ngoại Giao”. Thời điểm này, công trình đã cơ bản hoàn thành và đã có thông báo bàn giao cho khách hàng. Văn bản xin ý kiến của Công ty Lạc Hồng cũng được gửi sau cuộc đối thoại trực tiếp với đông đảo khách hàng trong đó có yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc thay đổi hạng mục thang máy (ngày 13/10). 

{keywords}
Sảnh thang máy tầng 22 chỉ có 3 cửa thang phía còn lại đã được xây tường bịt kín.

Được biết, mới đây, ngày 5/11, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã có văn bản gửi Công ty Lạc Hồng trong đó Cục này cho rằng: Việc áp dụng giải pháp phân chia và tổ chức vận hành hệ thống thang máy của công trình là “có thể chấp thuận được”.

Tuy nhiên, văn bản của Cục cũng nhấn mạnh: “Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng và các đối tác liên quan (nếu có) trong việc thực hiện điều chỉnh giải pháp tổ chức vận hành các thang máy theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, tại đơn kiến nghị của nhiều khách hàng cho rằng việc thay đổi thang máy tại dự án làm ảnh hưởng đến tổng dự toán xây dựng, giảm giá thành, chất lượng của tòa nhà cũng như gây thiệt hại trực tiếp đến giá trị căn hộ, tiện ích sử dụng so với hợp đồng đặc biệt là giao thông đi lại của tòa nhà.

“Việc bớt các cửa thang máy là tự ý Quý công ty thực hiện không hề có sự thông báo cũng như sự đồng thuận của chúng tôi, vậy chúng tôi đề nghị Quý Công ty trả lại nguyên trạng theo hợp đồng đã ký cũng như tuân thủ thiết kế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm chúng tôi ký hợp đồng mua bán” – đơn kiến nghị của khách hàng nêu rõ.

Theo ThS. KTS Cao Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA, chủ đầu tư thay đổi thiết kế tòa nhà có 6 cửa thang máy cho mỗi tầng, trong khi chỉ có 3 đến 4 cửa thang máy ( trong đó có 2 đến 3 cửa thang chở khách) trên mỗi tầng có 10 căn hộ, theo tiêu chuẩn thiết kế, mật độ thang máy thấp so với số lượng căn hộ trên mỗi tầng gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, việc lên xuống giữa các tầng của cư dân mất nhiều thời gian .

Ngoài ra mật độ thang máy so với số lượng căn hộ thấp dẫn đến thang máy bị quá tải, sử dụng trong thời gian dài dẫn đến hư hỏng mất an toàn thang máy.

Mật độ thang máy thấp cộng với thang máy phân chia theo zone có thể gây ra lưu thông trong tòa nhà kém. Đặc biệt lý do này sẽ gây khó khăn khi thoát hiểm trong trường hợp có thiên tai, cứu nạn khẩn cấp trong tòa nhà.

Hồng Khanh 

Thang máy vào 6 ra 3, dân chung cư cao cấp ‘ngã ngửa’ nhận nhà

Thang máy vào 6 ra 3, dân chung cư cao cấp ‘ngã ngửa’ nhận nhà

Cư dân dự án Lạc Hồng Lotus – N01T5 tại Khu Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) “tố” chủ đầu tư tự ý, điều chỉnh, cắt bớt hạng mục đầu tư xây dựng, không thông báo đến khách hàng theo như hợp đồng.

Những cú ‘ngã ngửa’ của khách hàng khi nhận căn hộ chung cư

Những cú ‘ngã ngửa’ của khách hàng khi nhận căn hộ chung cư

Thiếu hụt diện tích căn hộ thực tế khác xa so với căn nhà mẫu và cam kết của chủ đầu tư khiến người mua nhà ngã ngửa khi nhận bàn giao căn hộ

Ra văn bản ‘cá biệt’, Bộ Xây dựng tuỳ nghi hay trái luật?

Ra văn bản ‘cá biệt’, Bộ Xây dựng tuỳ nghi hay trái luật?

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, văn bản số 26/BXD-QLN của Bộ Xây dựng không thể lấy làm căn cứ để thực hiện những nội dung do luật và văn bản quy phạm pháp luật đã quy định.

Xin chuyển đất sân golf Him Lam Long Biên thành nhà để bán: Bộ Xây dựng nói gì?

Xin chuyển đất sân golf Him Lam Long Biên thành nhà để bán: Bộ Xây dựng nói gì?

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô liên quan đến khu đất dự án Khu nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên.