Vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền, nhận hối lộ tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt quả tang khiến dư luận bàng hoàng và suy sụp vì niềm tin bị đánh cắp.

Vẫn biết tiêu cực, tham nhũng là không có giới hạn nhưng với cán bộ thanh tra mà hành sự như thế thì dân không còn đủ can đảm để đặt niềm tin chống tham nhũng, tiêu cực vào cơ quan được giao trọng trách cầm cân nảy mực.

Dư luận đặt câu hỏi: Với dự án cấp huyện mà cán bộ thanh tra đã vòi tiền hàng trăm triệu thì dự án cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia sẽ là bao nhiêu? Vì sao một đoàn thanh tra cấp trung ương lại có thể sục xuống tận cấp huyện?

{keywords}
Mình bà Kim Anh có vòi được tiền?

Qua vụ tham nhũng động trời này có thể thấy nhiều điều.

Sai phạm trong công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch; công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư là vô cùng lớn, phức tạp, lộn xộn và không chỉ riêng huyện Vĩnh Tường mà đã và đang diễn ra khắp các địa phương, bộ, ngành.

Chuyện vòi vĩnh, ăn tiền của đối tượng bị thanh, kiểm tra là không hiếm đến nỗi dân gian lưu truyền câu nói sống động, kinh hoàng đến thế: “Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì/Cứ có phong bì thì sẽ “thanh kiu”.

Chất lượng cán bộ làm thanh tra và công tác quản lý thanh tra có nhiều vấn đề bất cập. Cán bộ thanh tra hiện nay nhiều vị không xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”; “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.

Với chất lượng đội ngũ thanh tra như thế, cùng với sự buông lỏng công tác quản lý cán bộ từ trung ương đến địa phương, lực lượng thanh tra liệu có còn là “tai, mắt của Đảng và Chính phủ”? Họ giả điếc giả mù trước sai phạm, tiêu cực đang hoành hành khắp các bộ, ngành, địa phương. Trong một chừng mực nào đó, như nhiều vụ việc đã được phát giác như Vĩnh Phúc, thanh tra đang tiếp tay, hợp thức hóa sai phạm, tham nhũng qua những bản báo cáo “đẹp”.

Vụ vòi tiền ở Vĩnh Phúc và  vụ cán bộ của Thanh tra Chính phủ nhận 400 triệu đồng của một bà mẹ liệt sĩ ở Bà Rịa-Vũng Tàu để "chạy việc" tranh chấp đất đai nhưng không thành cũng như nhiều vụ tương tự khác đã diễn ra trước đây, các đối tượng trực tiếp vi phạm đã bị xử lí. Tuy nhiên, điều khiến dư luận thắc mắc là liệu lãnh đạo của những kẻ ngang nhiên làm những việc tày trời như thế có bị xử lý hay vẫn bình an giữ ghế?

Khi vụ thanh tra vòi tiền tại Vĩnh Phúc bị lộ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: “Sẽ kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm quy định của pháp luật”.

Một “tinh thần” sắt đá rất đáng hoan nghênh của vị bộ trưởng. Nhưng câu này dân đã nghe quen lắm, vị tư lệnh nào cũng nói thế khi cán bộ thuộc quyền vi phạm pháp luật. Mong cam kết “kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng” được bộ trưởng “kiên quyết” thực hiện.

Bởi lâu nay, chưa thấy “tư lệnh” ngành nào chịu trách nhiệm hay thậm chí nói  một lời “xin lỗi” khi lĩnh vực mình phụ trách xảy chuyện tiêu cực, tham nhũng, việc đáng ra phải làm trên các giá trị của liêm sỉ và lòng tự trọng trước nhân dân.

Nguyễn Duy Xuân