-Mong rằng, trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới, Việt Nam sẽ tận dụng hết cơ hội để chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm đảm bảo tốt nhất các quyền của mỗi người dân Việt.
Sẽ không có bữa đại tiệc cho Việt Nam
Ai cho tiền thì bảo vệ người ấy
Thông tin Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã nhanh chóng lan tỏa trên khắp các diễn đàn.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việt Nam lần đầu tiên giành ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền của LHQ với kết quả 184 trên 192 phiếu bầu, xếp cao nhất về số phiếu trong số 14 thành viên mới, trong đó có Cuba, Trung Quốc. Báo chí cũng loan tin, sau khi có kết quả, đại diện nhiều quốc gia đã gửi lời chúc mừng đến Việt Nam.
Trưởng phái đoàn Pakistan tại LHQ chia sẻ: “Đây là một thành công kỳ diệu. Tôi xin chúc mừng chính phủ và nhân dân Việt Nam”. Ông Abdallah Al-Muallimi, Trưởng phái đoàn Ả Rập Saudi tại LHQ hoan nghênh: “Việt Nam hoàn toàn xứng đáng trở thành thành viên của HĐNQ LHQ. Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ góp phần tăng cường và thúc đẩy những giá trị cũng như hoạt động của HĐNQ”.
Đánh giá khách quan của các nước bạn đã khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
Với các nhà quan sát đối ngoại trong nước, việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Kết quả này không bỗng dưng đến với Việt Nam, mà nó là sự tiếp nối những thành công của Việt Nam trong cả một chuỗi các nỗ lực hoạt động đối nội, đối ngoại khác. Đặc biệt, nó đã làm mờ nhòa đi những luận điệu, quan điểm, phát ngôn xuyên tạc và bôi nhọ tình hình nhân quyền ở Việt Nam lâu nay. Thực tế đã chứng minh rằng, Việt Nam rất tích cực và sẵn sàng đối thoại không e ngại hay né tránh bất cứ vấn đề gì.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi ở trong nước, Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Hiến pháp. Mà trong đó, vấn đề quyền con người cũng rất được chú trọng, theo hướng thể hiện chính xác hơn chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Ngày hôm qua, chia sẻ với báo giới ngay sau khi trở thành Tân Phó Thủ tướng, thì Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng đã khẳng định: "Trong nhiều năm qua, có thể nói, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân".
Kết quả này càng ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính "sức ép" từ hội nhập kinh tế và các cam kết về thương mại đã thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn từ trong nước và chúng ta không thể đi ngược xu thế chung. Tới đây thành quả mà chiếc ghế "Nhân quyền" mang lại sẽ là rất rõ ràng, nhất là thuận lợi trong hợp tác kinh tế, thương mại...
Tất nhiên, điều quan trọng là Việt Nam sẽ làm gì sau khi đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền. Bởi, khi đã trở thành thành viên của Hội đồng này, chúng ta không thể đưa ra những quy định hay luật lệ riêng quá khác biệt so với chuẩn mực chung LHQ.
Ngồi vào chiếc ghế mới rõ ràng là một tin vui, nhưng chúng ta cũng cần hoàn tất những công việc khác còn đang dang dở. Chẳng hạn, Quốc hội sau khi thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, thì sẽ phải bắt tay vào hoàn thiện hệ thống luật pháp để làm rõ hơn các quyền của công dân, quyền con người được quy định trong Hiến pháp. Một số quyền công dân lâu nay đã được quy định nhưng chưa được cụ thể hóa cũng cần được thực hiện tốt hơn và phải được luật hóa, như quyền lập hội, quyền biểu tình v.v... Trong pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ.
Mong rằng, trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới, Việt Nam sẽ tận dụng hết cơ hội để chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam.
- Hoàng Đình