Mới đây, tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cho khối THPT với 10 môn gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân.
Trong số này, có đến 8 môn được chuyển từ tự luận sang thi trắc nghiệm hoàn toàn, trong đó có môn Lịch sử.
Riêng môn Ngữ văn vẫn thi tự luận, môn Tin học kết hợp thực hành trên máy tính.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho hay đây là lần đầu tiên và là một bước đổi mới của tỉnh trong công tác tổ chức thi học sinh giỏi.
“Năm nay, tất cả các môn thi học sinh giỏi đối với khối 12 THPT hầu hết đã chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm. Cơ bản hình thức thi các môn ở khối THPT giống như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng khối THCS, vẫn thi tự luận”, ông Thức nói.
Theo ông Thức, dĩ nhiên các câu hỏi ở kỳ thi học sinh giỏi sẽ khó hơn nhiều so với các câu hỏi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng hình thức thì giống để học sinh thêm một lần tập làm quen với phương thức thi tốt nghiệp THPT.
“Việc này cũng khiến học sinh, phụ huynh hăng hái tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh hơn”, ông Thức nói.
“Chúng tôi đã cho xây dựng ma trận, cấu trúc đề để xin ý kiến góp ý từ cơ sở. Vì tính chất là kỳ thi học sinh giỏi nên dù hình thức thi như thế nào vẫn phải đảm bảo nội dung đề có sự phân hóa cao”.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Trước băn khoăn việc những môn như Lịch sử khi thi theo hình thức trắc nghiệm thì liệu có phát huy được năng lực phân tích sự kiện,... hay chỉ nặng học thuộc, ông Thức cho hay đề thi sẽ được thiết kế để cho học sinh phải có kỹ năng phân tích, đối chiếu.
“Trước thi, chúng tôi cũng đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia gồm các giáo viên giỏi của ngành chọn, vi chỉnh ngân hàng câu hỏi”, ông Thức nói.
Ngoài ra, khả năng của học sinh cũng được đánh giá khi thời gian làm đề thi trắc nghiệm sẽ được rút ngắn xuống chỉ còn 60 phút.
Theo lời ông Thức, hình thức thi này đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía dư luận, học sinh, giáo viên và phụ huynh.
“Đến thời điểm này, qua nắm bắt, dư luận cũng đánh giá khâu đề được bảo mật và có độ phân hóa cao. Tuy nhiên, là lần đầu tiên tổ chức thi theo hình thức như thế này nên chắc chắn chúng tôi sẽ phải rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Nhưng tôi nghĩ với hình thức thi này thì sự can thiệp của người chấm vào kết quả của học sinh sẽ khó hơn, học sinh thi về có thể tự chấm được điểm của mình. Ngoài ra thời gian chấm sẽ nhanh hơn thông qua phần mềm quét. Hiện, chúng tôi đang chuẩn bị triển khai khâu chấm và với sự huy động nhân lực thì cũng chỉ mất khoảng một ngày là xong”, ông Thức chia sẻ.
Thanh Hùng
Sáng chế 100 nghìn đồng của học trò Hà Tĩnh giúp thầy cô đỡ vất vả
Thấy thầy cô vất vả với khâu chụp ảnh bài thi để chấm trắc nghiệm, nhóm học sinh lớp 11A Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã lên ý tưởng chế tạo Giá chấm trắc nghiệm bán tự động. Sản phẩm được các giáo viên đánh giá cao về hiệu quả.