Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, vùng biển Thanh Hóa trong ngư trường Bắc Bộ vốn được đánh giá có nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng. Với 426 loài thuộc 203 giống nằm trong 101 họ hải sản, chiếm 68,7% tổng số loài bắt gặp ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ; trong đó những loài hải sản có giá trị kinh tế cao đã được khai thác nhiều năm qua như: cá nục, bạc má, cá thu, cá bánh đường, cá mối, cá hố, cá trích, cá mòi, tôm, ghẹ, nhuyễn thể...

Đáng chú ý, quanh khu vực biển Hòn Mê của tỉnh Thanh Hóa có các loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: bào ngư, ốc đụn, ốc xà cừ, bàn mai, trai ngọc môi đen, trai ngọc môi vàng, mực thước, mực nang, cá mú, cá hồng, cá chình, cầu gai, tôm he, hải sâm… Khu vực này cũng được tỉnh Thanh Hóa lên phương án thành lập vùng nuôi biển xa bờ của tỉnh trong tương lai.

16 thanh hoa.jpg
Ngư dân khai thác hải sản gần bờ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Bình Minh

Quay lại chiến lược khai thác biển xa bờ, Thanh Hóa đang tập trung đóng mới các tàu cá có công suất lớn nhằm khai thác những loài hải sản có giá trị. Cụ thể, năm 2023, tổng số tàu cá khai thác hải sản trong toàn tỉnh là 5.878 chiếc; trong đó tàu cá xa bờ chiếm gần 40%. Về cơ cấu khai thác cũng khá đa dạng, từ các nghề truyền thống khai thác ven bờ (như cào nghêu, câu mực, đánh tép/ruốc…) cho đến các nghề khai thác xa bờ (cá ngữ, cá mú…) Toàn tỉnh có số lao động tham gia trực tiếp lao động trên biển là 24.500 người (có đăng ký).

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc lớn nhất trong khai thác xa bờ của tỉnh Thanh Hóa là tàu cá có công suất ngày càng lớn nhưng diện tích các cảng cá và chiều dài các cầu cảng hoặc số lượng các âu tầu tránh bão lại không đáp ứng. Cụ thể, toàn tỉnh Thanh Hóa có 8 cảng cá, trong đó có 3 cảng cá đã được UBND tỉnh công bố cảng cá loại II (gồm Hòa Lộc, Lạch Hới, Lạch Bạng) và 4 cảng cá do UBND cấp huyện quản lý: Cảng cá Hoằng Phụ; Hoàng Trường; Quảng Nham; Hải Châu chủ yếu phục vụ cho tàu cá khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng.

Riêng Cảng cá Hòn Mê phục vụ quốc phòng. Trong khi đó, công suất các cảng cá thiết kế chỉ đáp ứng 390 - 450 lượt tàu cá có công suất tối đa là 300CV - 400CV/chiếc; tổng công suất hàng thủy sản qua cảng từ 80.000 - 120.000 tấn/năm.

Trong khi nhu cầu phát triển sản xuất của ngư dân ngày một cao, ngư dân đã đóng thêm nhiều tàu mới, nâng cấp quy mô nhiều tàu cá hiện đại, công suất lớn dẫn đến các cảng cá quá tải. Ngoài ra, toàn tỉnh Thanh Hóa mới có 4 Khu neo đậu tránh trú bão, đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho 2.084 tàu cá ra vào neo đậu an toàn, tức là mới chỉ đáp ứng được hơn 30% tổng số tàu cá của tỉnh. 

Về công tác giám sát, tỉnh Thanh Hóa mới nhập thông tin được 2.251 tàu cá (trong khi yêu cầu 100% tàu cá thuộc diện phải đăng ký có chiều dài từ 6m trở lên) vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase.  Hoặc số tàu cá còn hạn đăng kiểm là 1.272/1.813 chiếc, mới đạt tỷ lệ 70,2%...

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, Sở cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền cho các tàu cá thực nghiệm nghiêm chỉnh các quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, đặc biệt là quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá trên 15 mét.

Địa phương cũng tăng cường tuần tra kiểm soát; kiên quyết không cho các tàu cá đi hoạt động trên biển khi không lắp đặt thiết bị VMS, không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục giấy tờ theo quy định. Phấn đấu đưa đội tàu cá đánh bắt xa bờ của Thanh Hóa mạnh mẽ vươn khơi đảm bảo các yếu tố: an toàn, đúng pháp luật và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nam Phương