Mời quý vị độc giả theo dõi video:

Thanh Hóa có hơn 1.280 Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là lực lượng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trên các lĩnh vực của cuộc sống.

Thời gian qua, bằng uy tín, kinh nghiệm của bản thân cùng với những thông tin kiến thức pháp luật nắm bắt được qua các cuộc bồi dưỡng, hội nghị tập huấn do các cấp, các ngành tổ chức, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã thể hiện tốt được vai trò, là những tuyên truyền viên đưa pháp luật đến với bản làng. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết và tuân thủ pháp luật của người dân trên địa bàn.

Đơn cử như ông Phạm Văn Cảnh, dân tộc Mường, Người có uy tín thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc. Ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu văn bản, tiếp thu ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân, xây dựng kế hoạch sát thực tiễn để lãnh đạo, phân công đảng viên tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch.

Hay ông Bùi Văn Dục, thôn Cả, xã Ban Công, huyện Bá Thước luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, các quy định của địa phương, hương ước của thôn.  Đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng. 

Trong 02 năm 2022 - 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật, thu hút 4.600 đại biểu từ các thôn, bản khó khăn của các huyện miền núi tham gia. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức sâu sắc hơn về pháp luật và các chính sách dân tộc, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại khu vực này.

Các nội dung tuyên truyền bao gồm: Chương trình 1719, các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật An ninh biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, cùng nhiều văn bản quan trọng khác. Ban Dân tộc tỉnh còn lồng ghép các nội dung thời sự liên quan đến tình hình an ninh - quốc phòng, vấn đề biên giới đất liền và biển đảo nhằm củng cố quốc phòng - an ninh và tăng cường đối ngoại nhân dân tại khu vực biên giới.

Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức được 02 hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại 17 xã của huyện Bá Thước thu hút hơn 300 đại biểu từ các thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia. 

Hội thi tập trung vào các văn bản luật thiết yếu như Luật Căn cước, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em và vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện dự án 5 và dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả tích cực.