Đến hết năm 2023, trên địa bàn Thanh Hoá có 651 công trình cấp nước được đầu tư xây mới. Toàn tỉnh cũng đã có 97,5% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và 62% được dùng nước sạch. Việc quan tâm, đầu tư xây mới các công trình cấp nước đã tạo điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khoẻ người dân và góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hoá
90% số hộ dân ở 23 xã, thị trấn của tỉnh Thanh Hoá đã được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Tại huyện Hậu Lộc, trước đây, người dân phải dùng nước từ giếng khoan, nước mưa thì hiện nay 90% số hộ dân ở 23 xã, thị trấn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh. Công trình cấp nước do Chi nhánh Nhà máy nước sạch Hậu Lộc đầu tư với công suất 3.000 m3/ngày đêm cấp cho gần 5.000 hộ dân đã được vận hành liên tục, ổn định. Chất lượng nước đảm bảo đã giúp các hộ dân yên tâm hơn.

Bà Trịnh Thị Hoa, Phó Giám đốc Nhà máy nước sạch Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá cho hay, để đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh đặc biệt là trong những tháng nắng nóng như hiện nay, chúng tôi đã tăng cường công tác kiểm tra nước từ đầu nguồn, chú trọng chất lượng và dần nâng công suất phục vụ.

Được biết, hiện Thanh Hoá đã cung cấp nước hợp vệ sinh cho 145 xã vùng nông thôn, miền núi với trên 220 nghìn hộ. 6 tháng đầu năm 2024, số hộ được sử nước hợp vệ sinh tăng thêm 1.820 hộ so với cuối năm 2023 và số hộ được sử dụng nước sạch tăng thêm 7.265 hộ.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hoá cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân, thời gian tới Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ tăng cường tham mưu cho tỉnh có chính sách quan tâm nâng cấp các công trình, tiếp tục đầu tư mới; đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tham gia sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Tỉnh Thanh Hoá phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 98,5% tỷ lệ dân số nông thôn, miền núi được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 65% dân số nông thôn, miền núi sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. 

Để đạt kết quả đó, tỉnh sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan liên quan về quản lý các công trình cấp nước tập trung và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư xây dựng các công trình nước sạch.